Mưu trí xử thế Quỷ Cốc Tử: Nghệ thuật 'xem việc nhỏ, suy việc lớn'
Tuy không biết rõ việc làm của đối phương nhưng cứ xem xét kỹ các chi tiết trong lời nói của họ thì có thể phát hiện ra các dấu hiệu phát triển biến hóa của sự việc. Nếu dùng phương pháp thích đáng thì có thể giống như thám tử chui sâu vào trận địa đối phương, bất luận là đánh giá tài năng hoặc ý đồ của họ đều rất phù hợp, không hề chệch choạc, không hề sai lệch, giống như con rắn Đằng Xà đã đớp là trúng, giống như Hậu Nghệ bắn tên bách phát bách trúng.
Bình luận: Ở đây Quỷ Cốc Tử đã nói đến kỹ thuật so sánh, suy luận, từ cái cá biệt tìm ra cái chung, từ cái biết rồi tìm ra cái chưa biết. Cái nhỏ là chỉ mầm mống sự vật hoặc là những cái mà ta đã biết, đã nắm được. Dựa vào đó mà suy luận sẽ có thể phát hiện ra nhiều cái khác nữa tương tự.
Người xưa nói: “Nhất diệp tri thu” (nhìn một chiếc lá rơi biết mùa thu sẽ đến). Vạn sự vạn vật trong thế giới khách quan đều có mối quan hệ chằng chịt với nhau. Sự biến động của một sự vật này sẽ đụng tới một sự vật hữu quan khác, sự biến động của một phương thức nào đó cũng sẽ để lại dấu vết nào đó.
Đặc biệt là những sự vật cùng loại tuy có khác nhau rất xa về hình thái biểu hiện, nhưng về thực chất lại có chỗ giống nhau ở nội dung chủ yếu. Hiểu rõ đạo lý này là sẽ hiểu được tư tưởng mưu lược "Từ việc nhỏ suy ra việc lớn", dựa vào đó mà dự đoán xu thế phát triển của sự vật và sự biến động hình thái tương lai của nó.
Tất nhiên người vận dụng mưu lược này cần có trí tuệ hơn người, giỏi suy luận, giàu năng lực tư duy logic trừu tượng. Có như vậy mới nắm được đột phá khẩu, chọn ra các dấu hiệu nhỏ bé liên quan chặt chẽ với bán chất sự vật mà hành động, dùng cách suy luận từ ngoài vào trong, từ cái này suy ra cái khác, từ cái sáng tỏ suy ra cái tối tăm, nắm được thực chất vấn đề.
Chuyện Lỗ Ban phát minh ra cái cưa: Lỗ Ban là nghệ nhân thời Xuân Thu của Trung Quốc. Có một thời gian ông thường xuyên lên núi cao tìm gỗ. Trên đường đi ông thấy thợ thuyền rất tốn sức dùng rìu đốn cây nên suy nghĩ tìm cách đốn gỗ thay rìu. Ý nghĩ này cứ lởn vởn trong đầu óc ông rất lâu.
Một hôm Lỗ Ban lại lên núi, khi leo lên một đoạn đường dốc nguy hiểm, ông chợt cảm thấy như ngón tay bị một vật gì đó cứa vào chảy máu. Nhìn kỹ thì thấy trên sườn dốc có một loại bụi cỏ, trên bụi cỏ còn vương máu. Lỗ Ban tức lắm, đứng vững chân rồi đá vào bụi cỏ, như bị điện giật, Lỗ vội vàng co chân lại.
Cái gì đã làm cho Lỗ kích động như vậy? Thì ra việc này làm cho ông nhớ lại chuyện mấy ngày nay đang suy nghĩ nát óc về cách đốn cây. Một bụi cỏ nhỏ như vậy có thể cứa được da thịt thì ta cũng sẽ có cách đốn cây dễ dàng. Lỗ vui vẻ quên cả đau, cúi mình quan sát kỹ bụi cỏ, thấy trên các lá cỏ có hàng răng cưa, chính nó là thủ phạm đã cứa đứt da thịt ông. Từ việc nhỏ suy ra việc lớn, ông nảy ra ý nghĩ: “Ta sẽ làm một mảnh sắt có răng như vậy để đốn cây, như thế có phải đỡ tốn sức không”.
Theo ý tưởng đó, Lỗ Ban đã làm ra chiếc cưa đầu tiên. Qua dùng thử, quả nhiên hiệu quả rất tốt. Cho đến nay thợ mộc vẫn sử dụng chiếc cưa do Lỗ Ban sáng chế.
Xem sắc mặt bắt được tướng cướp: Thời vua Đạo Quang nhà Thanh, Hoàng Ích Trai làm Tri châu châu Nghĩa Minh tỉnh Giang Tây. Địa phương này có một tên cường hào rất thô lỗ, ăn nói khinh bạc, Hoàng đâm ra nghi ngại hắn.
Một lần ông làm như tiện thể đi đường rẽ vào nhà tên cường hào, phát hiện thấy trong nhà hắn có thư họa và nhiều cổ vật nhưng bày biện lung tung, lại càng sinh nghi. Ông còn thấy trong nhà có một phụ nữ bế con, mặt buồn rười rượi. Hoàng bèn dùng tiếng địa phương hỏi: “Chị ơi, làm sao mà u uất thế?”.
Chị ta nghe hỏi, tái xanh cả mặt. Hoàng lại nói: “Tôi biết xem tướng người. Lai lịch của chị rất không bình thường. Chị có muốn tôi nói cho mà nghe không?”. Chị ta vội ngước mắt nhìn vào nhà trong, mặt xám ngoét, chảy nước mắt như sắp khóc. Hoàng thấy thế vội nói: “May mà tôi chưa nói điều xấu về chị. Tôi đi đây”.
Hôm sau Hoàng thết khách, tên cường hào cũng có mặt. Khi thấy hắn đến, Hoàng bèn mời vào buồng riêng, nói đôi câu đối treo trong nhà hắn hay lắm, người viết lạc khoản ở câu đối là thế nào với hắn.
Ông còn nói cuốn sách để trên giá sách nhà hắn là bản gốc, quý hiếm lắm, trên sách có đóng dấu vậy là dấu của ai vậy. Lúc đó tên cường hào trả lời ấp úng, tỏ ra hoảng loạn. Hoàng thét gọi võ sĩ bắt luôn hắn, tiếp đó ông cho gọi cả người phụ nữ bế trẻ em ở nhà hắn lại, qua xét hỏi mọi việc đều rõ ràng.
Thì ra đã lâu trước đây có một ông quan người Quảng Đông về quê đi qua hồ Phiên dương thì cả nhà bị bọn cướp giết hại, chỉ còn một cô con gái bị mất tích. Vụ án này đã qua 18 năm mà chưa xác định được. Tên cường hào này chính là tướng cướp, người phụ nữ chính là cô con gái vị quan nọ. Hôm đến công đường, chị đã khóc sướt mướt tố cáo tên cường hào, cuối cùng vứt đứa con do chị và tên thù địch này sinh ra và đập đầu vào thềm đá tự sát.
Sau vụ này nhiều người ca ngợi tài năng phá án của quan Châu Hoàng Ích Trai, hầu như đã giữ kín đáo không hề bộc lộ gì nên phá được một vụ án lịch sử.
Thủ đoạn phá án của ông Hoàng vốn không có gì thần kỳ, chẳng qua ông chỉ giỏi đoán xét qua sắc mặt, từ việc nhỏ suy ra việc lớn, nêu ra vài câu hỏi tại sao là có thể phát hiện được cái mà người bình thường không thấy, nghĩ được cái mà người bình thường không nghĩ đến.
Đoán xét bố thật bố giả: Khi nhà tư tưởng triều Tống Trình Cảnh làm Huyện lệnh huyện Tấn Thành ở Trạch Châu, trong huyện có một người nhà giàu họ Trương, bố mới chết không lâu. Đột nhiên có một cụ già tự xưng là bố đẻ của Trương đến cùng ở với Trương. Chủ nhân rất nghi ngờ bèn đưa cụ già đến cửa quan xin xem xét thật giả.
Tại công đường, Trình Cảnh hỏi cụ già tình hình đầu đuôi ra sao. Ông cụ nói bản thân là thầy lang, đi hành nghề ở xa lâu năm. Vợ ở nhà sinh con trai, của nhà nghèo túng, không nuôi nổi con mới đem cho nhà họ Trương. Bản thân cụ già lúc đầu không biết, sau khi trở về quê quán mới rõ chuyện, nay tuổi già sức yếu không nơi nương tựa mới xin được nhờ cậy. Cụ còn nói mọi việc đều có ghi trong cuốn sách thuốc.
Trình Cảnh nhận sách, mở xem thấy có ghi rõ “36 năm trước vào ngày này tháng này có một người đàn bà mang một em bé mang đến cho nhà cụ Trương”. Trình cảnh đọc qua đã thấy rõ một phần sự thật bèn cố ý hỏi Trương năm nay bao nhiêu tuổi, anh Trương trả lời đúng 36 tuổi. Trình lại hỏi: “Nếu bố anh còn sống thì năm nay bao nhiêu tuổi”.
Trương bẩm: “76 ạ”. Sau đó Trình nói với cụ già: “Anh Trương năm nay 36 tuổi, bố anh ta nếu còn sống 76 tuổi. Khi vợ ông mang con cho thì bố anh Trương mới 40 tuổi. Vậy tại sao trong sách thuốc lại ghi là “cụ Trương?”. Mọi việc ghi trong sách đều là giả tạo, sau này mới viết, đúng chưa?”.
Cụ già giật mình, không dám cãi, đành phải thú thật mình không phải là bố đẻ anh Trương. Đến đây vụ án bố giả bố thật đã được làm rõ. Trình đã “từ việc nhỏ suy ra việc lớn”, vạch rõ mặt đối tượng lừa đảo.