Mỹ: 19 năm sau vụ khủng bố 11/9, nỗi đau có nguôi ngoai?
Ngày hôm nay, 11/9/2020, đánh dấu 19 năm loạt vụ khủng bố kinh hoàng tấn công giữa lòng nước Mỹ. Hình ảnh hai chiếc máy bay lao vào Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) đã vĩnh viễn hằn sâu vào ký ức của người dân Mỹ và cộng đồng thế giới.
Thời khắc kinh hoàng
8h46 ngày 11/9/2001, chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc, trung tâm Thương mại Thế giới (WTC). Đó là chiếc đầu tiên trong số bốn máy bay bị chiếm quyền kiểm soát bởi 19 tên không tặc. Chúng lên kế hoạch dùng máy bay lao vào các công trình biểu tượng cho sức mạnh của nước Mỹ.
17 phút sau, chiếc máy bay thứ 2 mang số hiệu 175 của United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp Nam. Chưa đầy 1 tiếng sau, chiếc Boeing 757 số hiệu 77 của American Airlines, chở 58 hành khách và 6 phi hành đoàn, lao thẳng vào Lầu Năm Góc.
Đó là lần đầu tiên trong lịch sử tòa nhà "đầu não" của quân đội Mỹ bị tấn công. Cả nước Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp. Mọi tòa nhà công quyền của chính phủ liên bang đều được đóng cửa. Không quân Mỹ triển khai F-16 và trực thăng tuần tra khắp bầu trời toàn quốc.
Chiếc máy bay thứ 4 của vụ khủng bố rơi trên cánh đồng ở Pennsylvania, khiến 45 người thiệt mạng. Dữ liệu phân tích sau đó cho thấy hành khách đã tìm cách chiếm lại quyền kiểm soát từ nhóm không tặc. Tình báo Mỹ cho rằng nếu không có sự chống cự của những người trên chuyến bay, có thể chiếc Boeing 757 đã lao vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol.
Tổng cộng 2.976 người thiệt mạng và gần 6.000 người bị thương sau vụ khủng bố liên hoàn làm rúng động toàn thế giới. Sự kiện 11/9 trở thành vụ tấn công do nước ngoài tổ chức trên lãnh thổ Mỹ gây thiệt hại lớn nhất kể từ sau trận chiến Trân Châu cảng tại Hawaii vào Thế chiến II. Siêu cường thế giới lao vào cuộc chiến chống khủng bố với quy mô toàn cầu. Chiến trường Afghanistan trở thành cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ mà đến nay chưa kết thúc.
Không mất nhiều thời gian, tổ chức khủng bố Al-Qaeda sau đó nhanh chóng xác nhận và bị xác nhận là những kẻ chủ mưu tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Mỹ. Trong đó, lời hiệu triệu thánh chiến nhằm chống lại nước Mỹ do Osama bin Laden, thủ lĩnh của Al-Qaeda, được xem là động cơ lớn nhất dẫn tới hành động tấn công liều chết của 19 tên không tặc.
Đáng chú ý, 15 trong số 19 tên không tặc đến từ Saudi Arabia trong khi những kẻ còn lại tới từ UAE, Ai Cập và Lebanon - các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông. Tất cả 19 tên không tặc đều được cho là đã chết nhưng vẫn còn nhiều đồn đoán về việc này.
Thảm kịch 11/9/2001 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York. Nước Mỹ đã bị “tổn thương” sâu sắc bởi đây được xem là vụ tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này, tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc. Đó cũng là lần đầu tiên nước Mỹ bị một thế lực bên ngoài tấn công, kể từ trận Trân Châu cảng, quần đảo Hawaii năm 1941.
Nỗi đau không thể nguôi ngoai
Năm 2003, hai năm sau thảm kịch 11/9 khiến Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu, nhân vật khét tiếng trong bộ máy lãnh đạo al-Qaeda Khalid Shaikh Mohammed mới bị bắt khi đang ẩn náu tại chính quê hương.
Mohammed, 55 tuổi, mang quốc tịch Pakistan nhưng lớn lên ở Kuwait, tự nhận mình là "kiến trúc sư trưởng", lên kế hoạch toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện vụ khủng bố. Y từng nhiều lần thoát khỏi vòng vây của cảnh sát từ những năm 1996.
Cấp phó của Mohammed là Ramzi bin al-Shibh, người tổ chức huấn luyện không tặc tại Hamburg, Đức, và lo hậu cần cho cuộc tấn công.
Ba nhân vật còn lại là: Walid bin Attash, chịu trách nhiệm cho trại huấn luyện ở Afghanistan nơi đào tạo hai không tặc ngày 11/9; Mustafa al Hawsawi, người lo tiền mặt, thẻ tín dụng và quần áo cho không tặc; và Ammar al-Baluchi, cháu trai của Mohammed, bị cáo buộc đóng vai trò then chốt trong mạng lưới tài chính và tổ chức học lái máy bay cho các không tặc.
19 năm trôi qua kể từ ngày đen tối nhất lịch Mỹ sau Thế chiến II, hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng. Gần 60.000 người vẫn nằm trong diện phải theo dõi sức khỏe vì ảnh hưởng của bụi và hóa chất khi tòa tháp đôi tại WTC sụp đổ. Khoảng 2.000 người được chẩn đoán ung thư liên quan đến sự kiện 11/9.
Nỗi đau kéo dài suốt gần hai thập kỷ qua khi những kẻ chủ mưu vẫn chưa phải đối diện với công lý. Tuy nhiên, phiên tòa hình sự lớn nhất lịch sử nước Mỹ đã được chính thức ấn định bắt đầu vào ngày 11/1/2021, sau hàng chục phiên điều trần, qua 3 đời thẩm phán kể từ khi ủy ban quân sự đặc biệt thành lập năm 2012 cho việc xét xử.
Sự kiên nhẫn của người thân các nạn nhân cũng bị thử thách đến cùng cực. Mỗi phiên điều trần trong 8 năm qua luôn có đại diện gia đình các nạn nhân đến dự. Họ được bố trí trong một phòng cách ly bằng kính cường lực.
Năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa ngừng lây lan, thành phố New York dự định sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ thường niên đến gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ cách đây 19 năm, với một phút im lặng vào đúng thời điểm những tên khủng bố al-Qaeda đâm hai máy bay bị cướp vào các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới.
Buổi lễ tưởng niệm dự kiến sẽ diễn ra tại quảng trường tưởng niệm ngày 11/9 và một góc gần Trung tâm Thương mại Thế giới. Phó Tổng thống Mike Pence có mặt tại cả hai lễ tưởng niệm đó ở New York, trong khi Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden sẽ tham dự một buổi lễ tại Trung tâm tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Pennsylvania.
Gia đình các nạn nhân sẽ tập trung tại Quảng trường tưởng niệm đồng thời tuân thủ các hướng dẫn về giãn cách xã hội. Bảo tàng tưởng niệm 11/9 sẽ mở cửa trở lại cho gia đình các nạn nhân trong ngày này và tiếp tục đón công chúng vào ngày 12/9/2020.