Mỹ: 2.000 dự án hỗ trợ thiên tai bị đình trệ nếu chính phủ đóng cửa

Nhiều dự án tái thiết cơ sở hạ tầng có nguy cơ bị chậm tiến độ, bao gồm trường học ở hạt Wilson (Tennessee), một trại dưỡng lão ở New Jersey và nhiều dự án trị giá hàng triệu USD tại Florida.

Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, Nhà Trắng cho biết việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần sẽ làm trì hoãn gần 2.000 dự án dài hạn về phục hồi sau thiên tai.

Tuyên bố của Nhà Trắng nói rõ trong trường hợp Chính phủ Mỹ dừng hoạt động một phần, Quỹ giảm thiểu thiên tai của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang, vốn đang gặp khó khăn do nhiều thiên tai xảy ra, sẽ bị ảnh hưởng và điều này dẫn tới sự đình trệ của gần 2.000 chương trình phục hồi trong dài hạn.

Không chỉ vậy, nhiều dự án tái thiết cơ sở hạ tầng có nguy cơ bị chậm tiến độ, bao gồm trường học ở hạt Wilson (Tennessee), một trại dưỡng lão ở New Jersey và nhiều dự án trị giá hàng triệu USD tại Florida.

Bế tắc trong cuộc đàm phán về ngân sách tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đang đẩy nước Mỹ tiến gần hơn đến kịch bản chính phủ đóng cửa một phần vào cuối tuần này.

Bế tắc ngân sách lần này được cho là xuất phát chủ yếu từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine.

Trường hợp xấu nhất khi không có thỏa thuận nào được thông qua trước khi bắt đầu tài khóa 2024 (bắt đầu từ ngày 1/10 tới), Chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động cho tới khi một dự luật ngân sách cho năm tới được thông qua. Nếu kịch bản này xảy ra, hàng trăm cơ quan chính phủ sẽ bị ảnh hưởng.

Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc không lương. Hàng loạt dịch vụ công bị gián đoạn. Trước đó, Nhà Trắng đã cảnh báo việc chính phủ dừng hoạt động một phần sẽ ảnh hưởng đến khoản hỗ trợ lương thực cho gần 7 triệu phụ nữ thu nhập thấp và trẻ em.

Việc đóng cửa cũng sẽ khiến các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng vốn đặc biệt quan trọng với các nhà hoạch định chính sách và đầu tư, sẽ bị đình chỉ công bố vô thời hạn.

Từ năm 1981 đến nay, Chính phủ Mỹ đã 14 lần bị đóng cửa, có lần chỉ kéo dài 1 - 2 ngày. Lần gần đây nhất và lâu nhất kéo dài 35 ngày dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump do bất đồng về chi tiêu cho an ninh biên giới./.

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/my-2000-du-an-ho-tro-thien-tai-bi-dinh-tre-neu-chinh-phu-dong-cua/899209.vnp