Mỹ ám sát tướng Iran: Nhật mất mặt, Triều Tiên cười
Vụ Mỹ ám sát một trong những lãnh đạo quân sự hàng đầu của Iran đặt dấu chấm hết cho nỗ lực của Tokyo nhằm hòa giải giữa Tehran và Washington. Nhưng Nhật Bản không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục kế hoạch triển khai tàu chiến và tàu trinh sát đến Trung Đông. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đang cười, giới chuyên gia đánh giá.
Ông Qassem Soleimani thiệt mạng trong một vụ không kích của Mỹ tại sân bay Baghdad hôm 3/1, và Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cảnh báo các lãnh đạo ở Tehran rằng ông sẵn sàng tấn công 52 địa điểm ở Iran nếu Tehran trả đũa.
Căng thẳng đột ngột leo thang ở Trung Đông xảy ra đúng 1 tuần sau khi chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch cử 1 tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) đến Trung Đông từ tháng 2 tới. Tàu chiến này sẽ được hỗ trợ bởi một số máy bay tuần tra tầm xa để giám sát khu vực.
Các đơn vị của Nhật sẽ hoạt động ở Vịnh Oman, biển Bắc Ả-rập và Vịnh Aden, và làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các tàu dân sự của Nhật Bản đi qua khu vực này. Tàu chiến của Nhật sẽ không hoạt động ở Eo biển Hormuz, nơi được coi là điểm nóng tiềm tàng và cũng là nơi nhiều tàu chở dầu bị tấn công trong những tháng gần đây.
Chính phủ Nhật chịu sức ép từ Washington phải đưa các đơn vị tham gia liên quân do Mỹ dẫn dắt ở khu vực, nhưng được cho là chỉ giới hạn trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các tuyến hàng hải. Sau vụ sát hại tướng Soleimani, Tokyo hy vọng sẽ vẫn duy trì được khoảng cách, các nhà phân tích nhận định.
“Vụ ám sát rõ ràng khiến chính phủ Nhật bất ngờ và là nỗi xấu hổ đối với ông Abe vì ông ấy là người nỗ lực đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Iran”, báo SCMP dẫn lời GS Akitoshi Miyashita, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Quốc tế Tokyo.
Tổng thống Iran Hassan Rowhani đến Tokyo hôm 20/12 vừa qua để nói chuyện với ông Abe, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Iran trong gần 2 thập kỷ đến thăm Nhật Bản, trong bối cảnh ông Abe nỗ lực hòa giải để Mỹ và Iran phá thế bế tắc.
“Ông Abe không được thông báo trước về vụ tấn công, nên rõ ràng là ông ấy đã mất mặt sau vụ này. Nhưng giờ đây, không có nhiều việc Nhật Bản có thể làm”, GS Miyashita đánh giá.
Ông Jeff Kingston, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại ĐH Temple ở Tokyo, cho rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục kế hoạch điều lực lượng đến Trung Đông như đã định.
“Nhật Bản sẽ làm ở mức tối thiểu để khiến ông Trump vui, nhưng Tokyo cũng không muốn đối đầu với Iran và không muốn gây lo ngại về người Nhật Bản. Đáp ứng được 3 yêu cầu này sẽ rất khó”, ông Kingston nói.
Chuyên gia này cho rằng Nhật Bản đặc biệt lo ngại tác động của hành động quân sự của Mỹ ở Trung Đông đối với Triều Tiên.
“Tôi nghĩ trong hoàn cảnh này ông Kim Jong Un sẽ cười vì giờ ông ấy có cơ hội để kiểm tra xem ông Trump có thể xử lý bao nhiêu rắc rối cùng một lúc”, ông Kingston nói.
“Điều này càng khiến Nhật Bản phải nuôi dưỡng quan hệ với Trung Quốc vì Bắc Kinh là một nhân tố chủ chốt trong quan hệ với Triều Tiên...Tôi nghĩ vào thời điểm này, ông Abe phải trông chờ vào Trung Quốc để giảm bớt thách thức đến từ Bình Nhưỡng”, ông Kingston nhận định.