Mỹ - Ấn Độ chờ đợi bước phát triển đột phá trong quan hệ song phương
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mỹ. Đây là chuyến công du thứ 6 của ông Modi đến Mỹ kể từ năm 2014.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mỹ. Đây là chuyến công du thứ 6 của ông Modi đến Mỹ kể từ năm 2014.
Giới chuyên gia và báo chí gọi đây là chuyến thăm "lịch sử", với các thỏa thuận mang tính định hướng cho mối quan hệ hai nước trong tương lai. Cả Washington và New Delhi đều chờ đợi bước phát triển đột phá trong quan hệ chiến lược song phương thời gian tới.
Thủ tướng Ấn Độ Modi là nhà lãnh đạo thế giới thứ ba được Tổng thống Joe Biden mời thăm cấp Nhà nước - nghi thức ngoại giao thường chỉ dành cho những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Ông Modi cũng được Quốc hội Mỹ mời phát biểu trước phiên họp toàn thể chung của Hạ viện và Thượng viện Mỹ, là số ít nguyên thủ nước ngoài phát biểu tại diễn đàn này. Những động thái này cho thấy Mỹ coi trọng Ấn Độ trong chính sách của Washington.
Ông John Kirby - Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu: "Chuyến thăm này sẽ khẳng định mối quan hệ đối tác sâu sắc và chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng sạch và không gian. Hy vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm mở rộng hơn nữa trao đổi giáo dục, hợp tác nhân dân, hợp tác ứng phó các thách thức chung có phạm vi xuyên quốc gia như sức khỏe, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng".
Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ được coi là một trong các đối tác khó có thể thay thế của Mỹ. Cả hai đều tranh thủ và đề cao nhau do cùng mục tiêu và lợi ích thiết thực. Ấn Độ cũng là một thành viên trong nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Australia.
Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong cam kết chung nhằm giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, thúc đẩy an ninh y tế, hợp tác với các đối tác Bộ Tứ để xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, an toàn, thịnh vượng".
Trong các lĩnh vực cụ thể, tăng cường hợp tác quốc phòng được xem là mối quan tâm chính của cả hai bên và là trọng tâm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi.
Ngay trước chuyến thăm này, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đều đã đến Ấn Độ nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng, dỡ bỏ các rào cản thương mại quốc phòng giữa hai nước.
Bà Aparna Pande - Viện nghiên cứu Hudson nói: "Ấn Độ thường yêu cầu công nghệ cao và Mỹ thường chỉ cung cấp cho các đối tác an ninh và đồng minh thân cận nhất của mình. Vì vậy, để cung cấp cho một quốc gia không phải là đồng minh vốn có quan hệ lâu dài với Nga về quân sự có nghĩa là bạn đủ tin tưởng vào quốc gia đó và sẵn sàng chia sẻ công nghệ của mình với họ trong lĩnh vực quốc phòng, chứ không chỉ trong lĩnh vực dân sự. Vì vậy, điều đó rất quan trọng".
Về mặt kinh tế, Mỹ coi Ấn Độ là một trong các đối tác lớn, một thị trường tiềm năng, có khả năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ khoa học công nghệ đến năng lượng sạch. Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đang chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Ấn Độ, biến nơi đây trở thành công xưởng sản xuất mới.
Về mặt tổng thể, theo các quan chức Mỹ, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Modi được xem như một bàn đạp thực sự cho mối quan hệ Mỹ - Ấn, giúp đưa quan hệ hai nước có các bước phát triển đột phá và củng cố hơn nữa điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi là cặp đối tác "định hình thế kỷ 21".
Ấn Độ kỳ vọng tăng cường hợp tác với Mỹ trong những lĩnh vực trọng tâm nào?
Một trong những nội dung được nhấn mạnh hàng đầu trong chương trình nghị sự là khả năng chuyển giao khí tài quân sự và công nghệ quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, nhưng quá nửa trong kho vũ khí của Ấn Độ hiện nay lại là nhập từ Nga. New Dehli mong muốn đa dạng hóa kho vũ khí của mình. Và với Mỹ, sự hợp tác mà Ấn Độ nay hướng đến là làm sao phải vượt lên trên tầm của mối quan hệ bên mua bên bán thông thường.
Cụ thể, Ấn Độ mong muốn Mỹ chuyển giao công nghệ để cùng hợp tác, cùng phát triển khí tài quân sự với Washington. Nói cách khác, New Dehli mong muốn dựa vào công nghệ của Mỹ để xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến cho riêng mình. Ngoài ra dự kiến, trong chuyến công du lần này, một nội dung cũng rất được thủ tướng Modi đề cao là cuộc gặp với các giới lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, gồm Chủ tịch Elon Musk của Tesla hay Tim Cook của Apple. Ông Modi muốn thuyết phục các tập đoàn của Mỹ đẩy nhanh chiến lược Trung Quốc+1, chuyển các dây chuyển sản xuất, gia công sang Ấn Độ.
Triển vọng quan hệ Mỹ - Ấn Độ trong thời gian tới
Ấn Độ hiện là một thành viên của Bộ Tứ Quad, một cơ chế mà Mỹ mong muốn đẩy mạnh để thực hiện tầm nhìn chiến lược của mình tại khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Nhưng nguyên tắc không thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trước đến nay lại là không liên minh, đây là quốc gia đi đầu trong phong trào không liên kết. Vậy hình thái hợp tác Mỹ - Ấn nếu tới đây được đẩy lên tầm cao mới sẽ phải là gì? Đây sẽ là tầm nhìn mà Thủ tướng Modi cùng Tổng thống Mỹ sẽ phải phác thảo trong chuyến công du lần này.
Theo giới quan sát, đó có thể là mối quan hệ không liên minh, nhưng sẽ phải nêu bật được yếu tố Mỹ và Ấn Độ nay sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nhau. Nó cũng lý giải vì sao hợp tác quốc phòng lần này lại được hai bên đề cao, bởi nếu Ấn Độ trở thành một đối tác đặc biệt trong quỹ đạo quốc phòng của Mỹ, thì chính là bệ phóng hữu hiệu để đưa mối quan hệ Mỹ - Ấn vượt lên tầm cao mới.
Trải qua 7 thập kỷ, mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ được đánh giá là mối quan hệ chiến lược quan trọng. Dù còn những bất đồng nhất định liên quan một số vấn đề quốc tế, song những chuyển dịch mới về hợp tác quốc phòng giữa Washington và New Delhi cùng các cơ chế hợp tác mới với sự tham gia của hai nước cho thấy xu hướng tăng cường hợp tác sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Sự nồng ấm trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ có thể giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức. Nhưng cũng có nguy cơ làm gia tăng cạnh tranh nước lớn vốn đang hết sức phức tạp tại khu vực. Điều này đòi hỏi các nước sẽ phải tăng cường đối thoại, trao đổi, xây dựng lòng tin để tìm kiếm các giải pháp hòa bình, giải quyết tranh chấp.