Mỹ, Ấn Độ tăng cường kết nối mạnh với Thái Bình Dương
Mỹ và Ấn Độ đang gia tăng sự hiện diện tại các quốc đảo Thái Bình Dương – nơi có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Papua New Guinea trước thềm cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương để thảo luận về thương mại, biến đổi khí hậu và an ninh khu vực vào thứ Hai (22/5).
Liên tiếp các hoạt động ngoại giao quan trọng
Ông Modi, người đã được Thủ tướng Papua New Guinea James Marape đón tại sân bay vào tối Chủ nhật, sẽ tổ chức một cuộc họp song phương vào sáng thứ Hai, trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực với 14 nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng dự kiến sẽ ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Papua New Guinea, đồng thời có cuộc họp với các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương vào buổi chiều.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mataafa, Thủ tướng Vanuatu Alatoi Ishmael Kalsakau và Tổng thống New Caledonia Louis Mapou nằm trong số các nhà lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương đã đến Papua New Guinea trong ngày Chủ nhật.
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins và Bộ trưởng Thái Bình Dương của Australia Pat Conroy cũng sẽ tham gia các cuộc họp lần này.
Ủy viên cảnh sát David Manning của Papua New Guinea cho biết có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát và quân đội xung quanh thủ đô Port Moresby. Nhiều con đường bị ngăn lại và các tàu tuần tra quốc phòng cũng được triển khai ở vùng biển xung quanh địa điểm tổ chức cuộc họp lớn nhất của các nhà lãnh đạo quốc tế tại quốc gia này kể từ hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2018.
Ông Blinken dự kiến sẽ ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng và một Hiệp ước về điều khiển các con tàu, cho phép các tàu Cảnh sát biển Mỹ cùng các quan chức Papua New Guinea tuần tra vùng đặc quyền kinh tế, chính phủ Papua New Guinea cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.
Truyền thông địa phương cũng đưa tin, Đô đốc John Aquino của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng đã đến vào tối Chủ nhật.
Trước đó, chính phủ Papua New Guinea cho biết thỏa thuận quốc phòng với Mỹ lần này sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng và năng lực quốc phòng của Papua New Guinea sau nhiều thập kỷ bị bỏ quên.
Tăng cường tương tác
Thủ tướng New Zealand Hipkins đã đến Papua New Guinea vào Chủ nhật, sớm hơn 1 ngày, để tham dự hội nghị thượng đỉnh Thái Bình Dương vào thứ Hai. Nhà lãnh đạo Australia Anthony Albanese sẽ vắng mặt trong sự kiện lần này sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cắt ngắn chuyến công du ngoại giao vì các cuộc đàm phán về khủng hoảng trần nợ của Mỹ.
Các chuyên gia cho biết, New Delhi đang tăng cường hợp tác với các quốc đảo ở Thái Bình Dương vì vị trí chiến lược của họ và một phần cũng vì lo ngại rằng Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống mà các cường quốc khác để lại.
Trung Quốc, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng chính cho Quần đảo Thái Bình Dương trong những năm gần đây, đã ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm ngoái. Động thái này khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại về ý định của Bắc Kinh trong khu vực – nơi cũng có nhiều tuyến đường biển quan trọng.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã xấu đi kể từ năm 2020 sau các cuộc đụng độ dọc biên giới chung của họ.
"Cùng với vai trò ngày càng nổi bật của Ấn Độ trong nhóm Bộ tứ, nước này đang xuất hiện trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nước này muốn được nhìn nhận như vậy", Mihai Sora, nhà nghiên cứu về quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy của Australia, nói với AFP.
"Chuyến đi này, và tôi dự kiến sẽ có nhiều sự kết nối hơn nữa trong những năm tới, thực sự là để xây dựng những mối quan hệ như vậy", chuyên gia Sora đánh giá.
Sau khi gặp Thủ tướng Papua New Guinea James Marape, ông Modi sẽ tới Australia vào thứ Ba để đàm phán với người đồng cấp Albanese và hoàn thành chuyến công du ba quốc gia của mình.
Còn sự có mặt của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là để thay thế ông Biden tham dự các sự kiện ở Papua New Guinea lần này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thăm Papua New Guinea năm 2018.
Trung Quốc, trong một phản ứng rõ ràng đối với hiệp ước an ninh của Mỹ với Papua New Guinea và chuyến thăm của ông Blinken, hôm thứ Sáu tuần trước nói rằng các nước không nên tham gia vào "cuộc cạnh tranh địa chính trị" ở Nam Thái Bình Dương.