Mỹ, Anh chuẩn bị 'chiêu độc' cho trường hợp Nga tấn công Ukraine
Mỹ và Anh hiện đã sẵn sàng trừng phạt giới tinh hoa Nga thân cận với Tổng thống Vladimir Putin nếu Nga tấn công Ukraine.
Mỹ và Anh đang cố gắng đánh tiếng với Tổng thống Putin rằng những người giàu nhất nước Nga, những người có tài sản khổng lồ ở nước ngoài, sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nếu ông ấy ra lệnh cho quân đội tấn công Ukraine. Moscow đã nhiều lần phủ nhận việc đang có kế hoạch thực hiện điều này.
Ngày 31-1, chính quyền Anh đã thúc giục Tổng thống Putin "lùi bước trước bờ vực" đối với vấn đề Ukraine. Anh cũng cảnh báo rằng bất kỳ hành động tấn công nào sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và những người có liên hệ mật thiết với Điện Kremlin.
Cùng ngày, một quan chức Mỹ cho biết Washington đã chuẩn bị danh sách các nhân vật thân tín của Tổng thống Putin, những người sẽ bị trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine.
Mỹ chưa công bố chi tiết nhưng danh sách này được cho là gồm những người thuộc giới tinh hoa của Nga, nhân vật chính trị cấp cao, thân tín của ông Putin, hoặc là các nhà tài phiệt và người thân của họ.
Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden nói với Reuters: "Những thân cận của ông Putin sẽ không thể sử dụng vợ/chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình làm người ủy thác để trốn tránh các lệnh trừng phạt".
"Các biện pháp trừng phạt sẽ loại bỏ họ khỏi hệ thống tài chính quốc tế và đảm bảo rằng họ và các thành viên trong gia đình sẽ không còn được hưởng đặc quyền gửi tiền của họ ở phương Tây và theo học các trường đại học ưu tú của phương Tây".
Việc nhắm vào các nhà tài phiệt Nga chỉ là một phần trong kế hoạch của Mỹ và các đồng minh nhằm trừng phạt Tổng thống Putin nếu Nga tấn công Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không loại trừ việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với ông Putin.
Ngoài ra, nhiều quan chức Mỹ đã nêu chi tiết các biện pháp cấm vận khác, bao gồm lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn công nghệ công nghiệp và tiêu dùng được đưa sang Nga.
Đáp lại, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết mối đe dọa trừng phạt này sẽ dẫn đến một cuộc tấn công vào các doanh nghiệp Nga. Ông nói rằng những hành động như vậy sẽ phản tác dụng vì làm tổn thương các công ty Anh. Ông Peskov cho biết thêm rằng Moscow sẽ có các biện pháp trả đũa nếu công ty Nga bị nhắm đến.
Trong khi đó, Ukraine hoan nghênh cuộc đối thoại cứng rắn của Anh về các biện pháp trừng phạt, nói rằng đây là một cách quan trọng để ngăn chặn các quyết định hấp tấp của giới tinh hoa Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba nhận định: "Khi giới chức Nga nhận ra rằng họ đang nói về tài sản, bất động sản và tiền bạc của họ ở nước ngoài thì những điểm nóng ở Điện Kremlin sẽ hạ nhiệt".
Tuy nhiên, các danh sách trừng phạt cho thấy rằng các cường quốc quân sự lớn nhất của châu Âu - Anh và Pháp - tiếp tục có quan điểm mềm mỏng hơn đối với giới tinh hoa kinh doanh của Nga khi so với Mỹ.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm 30-1 cho biết nước này sẽ công bố luật trừng phạt mới để mở rộng công cụ trừng phạt. Điều này sẽ giúp Anh có thể nhắm vào bất kỳ công ty nào có vai trò quan trọng với Điện Kremlin và chính phủ Nga.
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến Ukraine trong tuần này và cũng nói chuyện với Tổng thống Putin qua điện thoại vào cuối ngày 31-1.
Tổng thống Biden hôm 31-1 cho biết Mỹ đang dựa vào con đường ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra song cũng cảnh báo Nga rằng Washington "đã sẵn sàng cho dù có chuyện gì xảy ra". Ông cho biết đã trình bày đầy đủ lên Liên Hiệp Quốc về mối đe dọa của Nga đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.