Mỹ, Anh và EU chính thức ký hiệp ước an toàn AI cấp cao

Ba khu vực công nghệ hàng đầu Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu đã ký kết hiệp ước 'Công ước khung của Hội đồng Châu Âu về Trí tuệ nhân tạo và Nhân quyền, Dân chủ và Pháp quyền'...

Công ước của Hội đồng Châu Âu được soạn thảo trong hơn hai năm bởi hơn 50 quốc gia.

Công ước của Hội đồng Châu Âu được soạn thảo trong hơn hai năm bởi hơn 50 quốc gia.

Hội đồng Châu Âu (COE) mô tả đây là "hiệp ước ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên đảm bảo an toàn các hệ thống AI phù hợp với nhân quyền, dân chủ và pháp quyền". Để thực hiện cam kết pháp quyền, các quốc gia ký kết sẽ thiết lập các cơ quan quản lý để chống lại "rủi ro AI".

Peter Kyle, Bộ trưởng Khoa học, Đổi mới và Công nghệ của Vương quốc Anh cho biết: "Với sự đổi mới đang diễn ra nhanh chóng như AI, điều thực sự quan trọng là chúng ta phải thực hiện bước đầu tiên này trên toàn cầu. Đây là thỏa thuận đầu tiên có hiệu lực thực sự trên toàn cầu và cũng tập hợp một nhóm quốc gia rất khác biệt”.

Công ước được soạn thảo trong hơn hai năm bởi hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Andorra, Georgia, Iceland, Na Uy, Cộng hòa Moldova, San Marino và Israel,... Tuy nhiên, đáng chú ý là không có quốc gia nào ở châu Á, Trung Đông hay Nga tham gia.

Hội đồng Châu Âu cho biết mục tiêu cao cả của hiệp ước là thúc đẩy sự tiến bộ và đổi mới của AI, đồng thời quản lý các rủi ro mà nó có thể gây ra để đảm bảo tính trung lập về công nghệ.

COE NỖ LỰC THỐNG NHẤT CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH AI CỦA CÁC QUỐC GIA

Trước đó, một loạt các khuôn khổ đã được đưa ra tại các hội nghị trong những năm gần đây, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh về An toàn AI của Vương quốc Anh năm 2023 hoặc Quy trình AI Hiroshima do G7 dẫn đầu hay nghị quyết được Liên hợp quốc thông qua vào đầu năm nay.

Một loạt các viện an toàn AI cũng được thành lập tại nhiều quốc gia và các quy định khu vực như dự luật SB 1047 ở California, Đạo luật AI của Liên minh Châu Âu...

"Hiệp ước đảm bảo bất kỳ công nghệ nào cũng được quản lý dưới sự giám sát của các quốc gia dựa trên các quy định nghiêm ngặt", Bộ Tư pháp Vương quốc Anh tuyên bố trong buổi lễ ký kết hiệp ước. "Sau khi hiệp ước được phê chuẩn và có hiệu lực tại Vương quốc Anh, các luật và biện pháp hiện hành sẽ được tăng cường".

Tổng thư ký COE Marija Pejčinović Burić cho biết: “Công ước khung là một văn bản mạnh mẽ và công bằng — kết quả của cách tiếp cận cởi mở và toàn diện dưói tham vấn góc nhìn của nhiều chuyên gia”.

Věra Jourová, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho rằng công ước khung đặt ra tiền đề quan trọng trong thiết kế, phát triển và sử dụng các ứng dụng AI để đảm bảo AI tôn trọng các giá trị của nhân loại - thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và pháp quyền.

CÔNG ƯỚC KHUNG CHƯA DỦ RĂN ĐE VÌ THIẾU QUY ĐỊNH XỬ PHẠT

Tuy nhiên, công ước khung chưa thể có hiệu lực ngay lập tức. Các quốc gia đã ký vẫn cần phải phê chuẩn riêng lẻ và từ đó sẽ mất thêm ba tháng nữa trước khi các điều khoản có hiệu lực. Không rõ quá trình đó có thể mất bao lâu.

Ví dụ, Vương quốc Anh đã nói rằng họ có ý định làm việc về luật AI nhưng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể về thời điểm dự thảo luật có thể được đưa ra. Về khuôn khổ COE nói riêng, họ chỉ nói rằng sẽ cập nhật triển khai "vào thời điểm thích hợp".

Mặc dù hiệp ước được coi là “có thể thực thi về mặt pháp lý”, nhưng nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng hiệp ước không có lệnh trừng phạt nào như tiền phạt. Việc tuân thủ chủ yếu được đo lường thông qua giám sát, đây là một hình thức thực thi tương đối yếu.

(COE không phải là một tổ chức lập pháp, nhưng được thành lập sau Thế chiến II với chức năng bảo vệ nhân quyền, dân chủ và hệ thống pháp luật của châu Âu. COE soạn thảo các hiệp ước có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với những cá nhân/tổ chức ký kết và thực thi).

Hạ Chi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/my-anh-va-eu-chinh-thuc-ky-hiep-uoc-an-toan-ai-cap-cao.htm