Mỹ áp hạn chế visa lên một loạt quan chức Trung Quốc
Động thái của Mỹ phủ bóng lên vòng đàm phán thương mại cấp cao dự kiến diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu...
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 8/10 áp hạn chế thị thực (visa) lên một loạt quan chức Trung Quốc mà Mỹ cho là có hành vi vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi - một động thái vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ tuyên bố vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa hai nước trong tuần này vẫn sẽ diễn ra như dự kiến.
Theo tin từ Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố quyết định trên chỉ một ngày sau khi Bộ Thương mại nước này đưa 20 cơ quan an ninh và 8 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" thương mại, cũng với lý do các cơ quan và doanh nghiệp này vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi.
Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu danh tính cụ thể của các quan chức Trung Quốc bị áp hạn chế visa. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói hạn chế này là sự "bổ sung" cho biện pháp của Bộ Thương mại.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington gọi động thái của Mỹ là "tạo ra cái cớ" để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. "Vấn đề Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà nước ngoài không được phép can thiệp. Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa chữa ngay lập tức hành vi sai trái và dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc", đại sứ quán Trung Quốc viết trên mạng xã hội Twitter.
Động thái của Mỹ phủ bóng lên vòng đàm phán thương mại giữa quan chức cấp cao hai nước ở Washington vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này. Ngày thứ Hai và thứ Ba, các quan chức cấp thứ trưởng hai bên đã có các cuộc thảo luận để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao.
Một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng Trung Quốc muốn có một thỏa thuận với Mỹ, nhưng thỏa thuận đó không thể là một "trò chơi có tổng bằng 0". Vị này nói điều quan trọng là Mỹ phải chấp nhận khác biệt trong hệ thống kinh tế của hai nước, đặc biệt là mô hình phát triển kinh tế do nhà nước dẫn đầu của Trung Quốc.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng nói nước này phải bảo vệ quyết phát triển kinh tế của mình, và những cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ là không công bằng.
Thương chiến Mỹ-Trung đã gây sóng gió trên thị trường tài chính và gây áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu suốt hơn 1 năm qua. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 8/10 đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng hiện nay của nền kinh tế thế giới. Bà nhấn mạnh rằng sự giảm tốc tăng trưởng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có hành động giải quyết thương chiến và hỗ trợ tăng trưởng.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tuần này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Mỹ dự kiến tăng thuế quan bổ sung lên 30% từ 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng việc tăng thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10 nếu đàm phán không có tiến bộ.
Hôm thứ Hai, ông Trump nói việc nhanh chóng đạt một thỏa thuận với Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra, và ông cũng không muốn đạt một thỏa thuận hạn chế.
Về phần mình, Trung Quốc cũng tỏ quan điểm cứng rắn. "Tôi cảm thấy rằng xã hội Trung Quốc đặt kỳ vọng thấp về một cú đột phá thực sự trong vòng đàm phán thương mại sắp tới. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng thương chiến và đàm phán thương mại dã trở thành một điều bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, viết trên Twitter.