Mỹ áp thuế 46%: 'Giao điểm' để Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế chủ động

Chính sách thuế mới của Mỹ không chỉ là rào cản thương mại đơn thuần, mà là bài kiểm tra khả năng thích ứng, minh bạch và bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nhận định của ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) xung quanh câu chuyện Mỹ áp thuế đối ứng 46% với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông cảm nhận như thế nào về những tác động của chính sách thuế mới của Hoa Kỳ với các doanh nghiệp Việt Nam?

Tôi thấy chính sách thuế mới của Hoa Kỳ là cú huých mạnh tạo ra ba tác động lớn đến doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các tác động trực tiếp, gián tiếp và tác động về lâu dài.

Việc Mỹ áp mức thuế 46% lên hàng Việt Nam sẽ khiến giá thành của sản phẩm có thể đội lên, làm mất lợi thế so sánh với các đối thủ chịu mức thuế thấp hơn. Ngoài ra, chính sách này ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ở mức khiêm tốn như gỗ, dệt may, thủy sản..., khiến doanh nghiệp khó khăn trong duy trì đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể thu hẹp lại hoặc dừng hoạt động, tái cơ cấu ngành nghề.

Các doanh nghiệp FDI cũng có thể tái định vị chuỗi cung ứng, chuyển đơn hàng sang các nước không bị áp thuế hoặc có thuế suất thấp hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, vì Việt Nam có vị trí chiến lược trong việc thu hút FDI toàn cầu: thị trường nội địa với 100 triệu dân, nằm trong top hơn 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới; là thành viên thị trường ASEAN với 600 triệu dân, gần gũi với thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân và là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn trên thế giới. Đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi và lợi thế về vị trí địa lý.

Những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết mang lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp khi thâm nhập các thị trường này. Do đó, nếu Chính phủ tiếp tục đổi mới và điều chỉnh các chính sách thu hút FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục ở lại đầu tư.

Đối với những lo ngại về tỷ giá, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có biện pháp để thu hút ngoại tệ từ kiều hối, giải ngân FDI, các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới, đồng thời hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Về tác động gián tiếp, chính sách này có thể gây sức ép về tài chính, lao động, thị trường trong nước. Theo đó, doanh nghiệp giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, kéo theo hệ lụy về khả năng trả nợ ngân hàng, dòng tiền và thanh khoản; hàng trăm nghìn lao động trong các ngành xuất khẩu chủ lực có nguy cơ suy giảm công việc tạm thời; tồn kho tăng, chi phí lưu kho, chi phí vốn tăng lên, từ đó ảnh hưởng dây chuyền tới các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Liên quan đến tác động dài hạn, một trong những điểm quan trọng có liên quan đến thách thức về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Các biện pháp thuế của Mỹ phần nào phản ánh sự quan ngại về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn lao động, minh bạch tài chính và khả năng kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu tại Việt Nam.

Trong trường hợp những nỗ lực đàm phán của Việt Nam không đạt được như kỳ vọng, Việt Nam cần làm gì để thích ứng với chính sách thuế quan mới, thưa ông?

Bất kể kết quả của việc Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam cuối cùng ra sao thì chắc chắn Việt Nam cũng sẽ thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá sâu vào một thị trường như Mỹ sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các thay đổi trong chính sách thương mại của quốc gia này.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải ứng xử như một nước lớn. Bởi, chính sách thuế mới của Mỹ không chỉ là “rào cản thương mại” đơn thuần, mà là bài kiểm tra khả năng thích ứng, minh bạch và bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không kịp thích ứng, ta sẽ tụt lại phía sau trong cuộc chơi thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thông minh không né tránh rào cản mà học cách biến rào cản thành lợi thế cạnh tranh. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bị vướng vào các thách thức, nếu vượt qua được, thường họ sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn, trở thành người chơi lớn.

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xem phòng vệ thương mại là một phần của quản trị rủi ro quốc tế, cần được tích hợp ngay từ đầu vào chiến lược kinh doanh và xuất khẩu. Kết hợp hài hòa quản trị danh mục xuất khẩu của quốc gia, quản trị danh mục thị trường xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp trong công tác: Cảnh báo sớm, thiết lập kỷ luật tăng trưởng ở mỗi thị trường, dự báo rủi ro và các giải pháp phù hợp với mỗi kịch bản sẽ giúp cho chúng ta thích ứng, quản trị và dẫn dắt được sự thay đổi.

Với các doanh nghiệp, tôi đề nghị có 4 trụ cột cần thay đổi: Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng bằng việc nội địa hóa chuỗi giá trị, từ nguyên liệu, sản xuất đến phân phối, để chủ động xuất xứ; Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại; Thứ ba, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (Phát triển thương hiệu riêng, R&D, thiết kế độc quyền, mẫu mã đặc trưng, từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững và ít bị điều tra); Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.

Không chỉ “tập trung hóa” vào thị trường Mỹ, EU, doanh nghiệp cần mở rộng sang các thị trường FTA như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Ấn Độ, châu Phi; tận dụng tốt các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, xuất xứ; phát triển năng lực xuất khẩu trực tiếp đến người tiêu dùng qua thương mại điện tử quốc tế để giảm vai trò trung gian và tối ưu biên lợi nhuận.

Nếu Mỹ áp thuế đối ứng mới vẫn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công

Nếu Mỹ áp thuế đối ứng mới vẫn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công

Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công. Các doanh nghiệp cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi.

Để doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi, vượt qua thách thức, sự hỗ trợ từ chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước có phải là nguồn động lực không, thưa ông?

Đúng vậy. Và điều đầu tiên, Việt Nam cần tăng cường đối thoại cấp cao với Mỹ. Thứ hai liên quan đến đàm phán, ngoại giao nhân dân cũng như vận động các doanh nghiệp, liên quan đến lợi ích của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để chúng ta có tiếng nói trong quá trình đàm phán. Thứ ba là liên quan đến năng lực nội tại về pháp lý và pháp luật trong việc xử lý các vụ kiện và phòng vệ thương mại.

Đặc biệt là các cơ quan hoạch định chính sách cần quản trị tốt danh mục thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, phân tán rủi ro hợp lý, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm rủi ro địa chính trị, thương mại. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản ứng phó đa tầng, đa cấp độ, từ cấp vi mô doanh nghiệp đến cấp vĩ mô quốc gia. Khi có sự cố xảy ra, có thể ngay lập tức kích hoạt các cơ chế phản ứng linh hoạt để bảo vệ được lợi ích cốt lõi của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/my-ap-thue-46-giao-diem-de-viet-nam-thuc-day-nen-kinh-te-chu-dong-162460.html