Mỹ áp thuế đối ứng với các đảo 'toàn chim cánh cụt' gần Nam Cực

Trong quyết định thuế đối ứng mới, Mỹ nhắm cả các vùng lãnh thổ phụ thuộc của Úc, gồm đảo nhỏ và đảo xa không người sinh sống toàn chim cánh cụt.

Một số đảo núi lửa cằn cỗi, không có người ở gần Nam Cực, được bao phủ bởi sông băng và là nơi sinh sống của chim cánh cụt, cũng không nằm ngoài cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong thông báo mới nhất, Nhà Trắng tuyên bố áp thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các khu vực này, Guardian đưa tin.

Đảo Heard và quần đảo McDonald, vùng lãnh thổ phụ thuộc của Úc, được coi là một trong những nơi xa xôi nhất trên trái đất. Nếu muốn tiếp cận những đảo này, cần di chuyển bằng tàu từ Perth, bờ biển phía Tây Úc, và chuyến đi sẽ kéo dài 2 tuần.

Hai nơi này hoàn toàn không có người. Lần cuối cùng ghi nhận con người đặt chân tới đây cách đây khoảng 10 năm.

“Không nơi nào trên trái đất còn an toàn nữa” - Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói sau khi Nhà Trắng công bố danh sách bị áp thuế thương mại bổ sung, trong đó có đảo Heard và McDonald.

Chim cánh cụt trên đảo Heard. Ảnh: Australian Antarctic Division

Chim cánh cụt trên đảo Heard. Ảnh: Australian Antarctic Division

Danh sách còn liệt kê tên của Quần đảo Cocos (Keeling), đảo Christmas và đảo Norfolk.

Đảo Norfolk, có dân số 2.188 người và nằm cách Sydney 1.600 km về phía Đông Bắc, bị đánh thuế 29%, cao hơn 19 điểm phần trăm so với phần còn lại của Úc. Năm 2023, đảo Norfolk xuất khẩu số hàng hóa trị giá 655.000 USD sang Mỹ, trong đó mặt hàng chính là giày da (đạt 413.000 USD).

Tuy nhiên, ông George Plant - người quản lý đảo Norfolk - phản đối thông tin này: “Đảo Norfolk không hề có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, cũng không có thuế hay rào cản thương mại phi thuế quan nào với hàng hóa đưa vào đây”.

“Đảo Norfolk chịu mức thuế 29%. Tôi không chắc đảo Norfolk, về khía cạnh này, có phải đối thủ cạnh tranh thương mại với nền kinh tế khổng lồ của Mỹ hay không. Song thực tế mới cho thấy không nơi nào trên trái đất an toàn (trước quyết định mới của Nhà Trắng) - Thủ tướng Albanese chia sẻ.

Số liệu xuất khẩu từ đảo Heard và quần đảo McDonald thậm chí còn khó hiểu hơn. Lãnh thổ này có nghề cá nhưng không có tòa nhà hoặc nơi ở cho con người.

Theo dữ liệu xuất khẩu từ Ngân hàng Thế giới, Mỹ nhập khẩu 1,4 triệu USD sản phẩm từ đảo Heard và quần đảo McDonald vào năm 2022, hầu hết là "máy móc và điện". Hiện vẫn chưa rõ những hàng hóa này là gì.

Trong 5 năm trước đó, lượng hàng nhập khẩu từ đảo Heard và quần đảo McDonald vào Mỹ dao động từ 15.000-325.000 USD/năm.

Phương Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/my-ap-thue-doi-ung-voi-cac-dao-toan-chim-canh-cut-gan-nam-cuc-196250403180558774.htm