Mỹ-ASEAN hợp tác về an ninh mạng, vũ trụ?
Mỹ có thể muốn đẩy mạnh hợp tác với các nước Đông Nam Á về phòng thủ an ninh mạng, bảo vệ vệ tinh… Các thành viên ASEAN hiện hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực không có khả năng khiêu khích Trung Quốc.
Thủy quân lục chiến Mỹ tới Căn cứ không quân Đại tá Ernesto Ravina của Philippines để cùng lính thủy đánh bộ Philippines diễn tập song phương. Ảnh: US Navy.
Tăng cường phòng thủ mạng
Indonesia và Mỹ đã và đang hợp tác về an ninh mạng, gần như chắc chắn với mục đích phòng vệ. Ngoài Indonesia và Thái Lan đang bắt tay với Mỹ, Singapore, Philippines, và có thể cả Malaysia đều là những ứng viên tiềm năng hợp tác với Mỹ về an ninh mạng với bản chất phòng thủ vì những nước này đều bị tin tặc tấn công. Hợp tác với Mỹ sẽ giúp họ tăng năng lực phòng vệ trước đối tượng tấn công mạng.
Về hợp tác không gian vũ trụ, có hai lĩnh vực chính. Thứ nhất, là bảo vệ các vệ tinh và các bộ cảm biến trên quỹ đạo mà các nước hằng ngày dựa vào để đi lại, liên lạc, chụp không ảnh… Thứ hai, là vấn đề liên quan thiết bị gây nhiễu điện tử đặt trên mặt đất. Hiện chưa rõ Mỹ muốn hợp tác với các nước Đông Nam Á cụ thể trong lĩnh vực nào. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xúc tiến cho sự ra đời của một thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế các hoạt động gây mất ổn định trong không gian vũ trụ. Vì vậy, Mỹ muốn nhiều nước đồng thuận để ủng hộ sáng kiến này.
Có hai nhóm nước Đông Nam Á ít khả năng hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực an ninh mạng và không gian vũ trụ. Thứ nhất, là những nước kém phát triển hơn và phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và/hoặc có quan hệ căng thẳng với Mỹ. Đó là Lào, Myanmar và Campuchia. Thứ hai, là những nước không muốn trông như là bị cuốn vào một liên minh chống Trung Quốc. Đó là Brunei và Malaysia.
Khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) năm 2016, Trung Quốc phản ứng mạnh bởi vì radar của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo này có thể “nhòm ngó” Trung Quốc. Hiện nay, không nước Đông Nam Á nào tự coi mình bị tên lửa đạn đạo đe dọa trực tiếp kiểu như Hàn Quốc lo sợ tên lửa Triều Tiên.
Các vấn đề chính mà các quốc gia Đông Nam Á quan tâm là việc định vị trước các nguồn cung cấp và thiết bị quân sự Mỹ, lưu trữ tên lửa tầm xa và/hoặc cung cấp cơ sở căn cứ cho các lực lượng vũ trang Mỹ. Singapore đã cung cấp các cơ sở căn cứ hải quân cho Hải quân Mỹ. Nước duy nhất ở Đông Nam Á có khả năng hỗ trợ Mỹ triển khai lực lượng là Philippines nếu Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) có thể được kích hoạt trở lại. Trên thực tế, Úc đã sẵn sàng hợp tác với Mỹ trên mọi phương diện. Ấn Độ cũng có khả năng hợp tác nhưng ở quy mô hạn chế hơn. Cuối cùng, có khả năng phát triển các cơ sở chung tại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ngày 1/12, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth nói rằng, thiết bị quân sự Mỹ xưa nay tập trung về phía Đông Bắc Á, giờ đã đến lúc mở rộng sang Đông Nam Á. “Việc khám phá cách chúng ta có thể thay đổi theo thời gian là điều rất quan trọng đối với lợi ích của chúng ta cũng như lợi ích của các đồng minh và đối tác”, bà nói.
Ứng viên hợp tác tiềm năng nhất
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth xác định Đông Nam Á là khu vực ưu tiên để triển khai lực lượng và các hệ thống tấn công tầm xa của Mỹ. Nhưng bà Wormuth cũng lưu ý rằng, Mỹ phải thực tế về việc ai sẽ hợp tác. Philippines là ứng cử viên có khả năng hợp tác với Mỹ nhất vì nước này là đồng minh hiệp ước chính thức, đã ký Thỏa thuận Tình trạng lực lượng và EDCA, và hiện phải hứng chịu nhiều hoạt động thuộc chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Kết quả sẽ phụ thuộc nhiều vào vấn đề liên minh Mỹ đóng vai trò như thế nào trong bầu cử quốc gia và ai sẽ được bầu làm tổng thống Philippines vào tháng 5/2022.
Các quốc gia Đông Nam Á không có quan điểm thống nhất về cách quản lý sự đe dọa và bắt nạt của Trung Quốc đối với bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước Đông Nam Á và không nước nào muốn rạn nứt quan hệ kinh tế, đặc biệt là Singapore. Nếu có bất kỳ sự đồng thuận nào giữa các quốc gia Đông Nam Á thì đó là họ không muốn đứng về phe nào hoặc không muốn bị gạt ra ngoài lề, như đã nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các quốc gia Đông Nam Á thích tập hợp dưới “ngọn cờ” vai trò trung tâm của ASEAN.
Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á hiện hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực không có khả năng khiêu khích Trung Quốc, như giáo dục và đào tạo quân sự, nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức về biển, các hoạt động hải quân đa phương… Ví dụ, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan hằng năm tham gia chương trình song phương với Mỹ về hợp tác đào tạo và sẵn sàng trên biển (CARAT). Thái Lan và Mỹ đồng tổ chức cuộc tập trận quân sự đa phương lớn nhất trong khu vực. Đó là Cobra Gold (Hổ mang vàng). Năm 2020, các nước Đông Nam Á tham gia trực tiếp hoặc với tư cách quan sát viên gồm có Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Brunei, Campuchia, Lào và Việt Nam.
Mỹ nên ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác với Singapore, Philippines và Thái Lan. Đồng thời, nên tiếp tục trợ giúp nâng cao năng lực ở các quốc gia sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình như Indonesia, Việt Nam, Malaysia. Tóm lại, sự tham gia của Mỹ sẽ là một quá trình dần dần với các chương trình phù hợp với từng nước. Các mối quan hệ song phương sẽ tiến triển với tốc độ phù hợp với nước tiếp nhận. Mục tiêu của Mỹ về việc tạo ra một mạng lưới đồng minh và đối tác sẵn sàng chống lại Trung Quốc khó có thể thành hiện thực. Tốt nhất, Mỹ có thể đóng góp vào việc nâng cao khả năng của từng quốc gia trong việc thực thi chủ quyền. Các nước Đông Nam Á sẽ trông đợi vào Mỹ để giúp quản lý các mối quan hệ của họ với Trung Quốc một cách có trách nhiệm và không khiêu khích.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/my-asean-hop-tac-ve-an-ninh-mang-vu-tru-post1400684.tpo