Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada lần đầu tiên tập trận chung ở Biển Đông
Các lực lượng hải quân của Mỹ, Canada, Nhật Bản và Australia bắt đầu các hoạt động diễn tập phòng không trên biển, có sự tham gia của máy bay tuần thám biển.
Theo PhilStar, Hải quân Mỹ cử 2 tàu khu trục USS Milius (DDG 69) và USS Higgins (DDG 76) tham gia tập trận trong khi Hải quân Hoàng gia Austrlia điều tàu khu trục HMAS Arunta (FFH 151) và tàu khu trục tác chiến phòng không lớp Hobart HMAS Hobart (DDG 39).
Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản triển khai tàu khu trục JS Suzutsuki (DD 117) và tàu khu trục lớp Murusame JS Kirisame (DD 104) còn Hải quân Hoàng gia Canada có sự tham gia của khinh hạm lớp Halifax HMCS Winnipeg (FFH 338).
Theo Tư lệnh Matther Hays, sĩ quan chỉ huy tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius của Hải quân Mỹ, “các cuộc tập trận chung trên biển giúp chúng tôi tăng cường khả năng tương tác và nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu tập thể".
Đánh giá cao việc hợp tác với 3 lực lượng hải quân tinh nhuệ, Tư lệnh Matther Hays khẳng định điều này "thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ trước sau như một của chúng tôi đối với vai trò ngày càng lớn của họ trong khu vực, cũng như cam kết của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Mới đây, tàu Milius của Mỹ, JS Kirisame của Nhật Bản, HMAS Hobart và tàu tiếp dầu HMAS Stalwart (A304) của Australia đã tiến hành cuộc tập trận 3 bên kéo dài đến ngày 7/10.
Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản và Canada còn tiến hành những hoạt động tập trận đơn phương ở Biển Đông để hỗ trợ sự hiện diện của Hải quân Hoàng gia Australia ở Biển Đông.
Trước đó, theo ABS-CBN News, Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông nhằm bảo vệ và đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trả lời phỏng vấn ngày 18/10, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết nước này vừa công bố khoản đầu tư trị giá 60 triệu USD cho các sáng kiến hàng hải mới trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Mỹ có thể triển khai các khí tài và nhân sự của Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này theo yêu cầu của các nước đối tác nhằm phục vụ huấn luyện hàng hải, phát triển năng lực cũng như hợp tác an ninh.