Mỹ bác đề xuất của Đức đầu tư xây dựng hai cảng tiếp nhận LNG từ Mỹ để đổi lấy việc miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2
Mới đây, nghị sĩ, ủy viên Ủy ban các vấn đề quốc tế Quốc hội Đức Waldemar Gerdt cho biết, việc loại bỏ dự án Nord Stream 2 sẽ khiến Đức phải chịu khoản tiền phạt trị giá 10 tỷ euro. Khoản tiền phạt này sẽ gây ra cú sốc cho người dân Đức khi giá nhiệt sưởi ấm và giá điện có thể tăng khoảng 20%.
Theo nguồn tin của Ria Novosti, một số nghị sĩ khác tại Quốc hội Đức cũng cảnh báo, việc chấm dứt xây dựng đường ống dẫn khí đốt này sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của Đức vì nước này đang giảm sản xuất điện than và chuyển dần sang các nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường. Nord Stream 2 không phải là một dự án của riêng Đức hay Nga. Dự án này có sự tham gia của hơn 100 công ty châu Âu. Tất cả các công ty đã nhận được giấy phép phù hợp và bỏ tiền đầu tư vào dự án. Nếu phía Đức dừng dự án bằng một quyết định mang tính chính trị, nước này sẽ phải đối mặt với hơn 10 tỷ euro tiền phạt để bồi thường thiệt hại cho các công ty tham gia dự án.
Các nghị sĩ này cũng nhấn mạnh, cuộc chiến chống lại Nord Stream 2 của giới chính trị cao cấp ở một số nước phương Tây đang được tiến hành bằng các thủ đoạn chính trị và kinh tế “bẩn”. Riêng đối với Mỹ, những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm can thiệp vào việc xây dựng đường ống là trái với logic trong chính sách của Mỹ đối với các dự án cơ sở hạ tầng của các nước đồng minh. Và mới đây, việc Mỹ đe dọa trừng phạt kinh tế đối với cảng Mukran tại Sassnitz trên đảo Rugen, Đức là động thái trắng trợn, không thể chấp nhận được. Ba thượng nghị sĩ Mỹ là Ted Cruz, Tom Kotton và Ron Johnson Cruz lại gây sức ép buộc nhà điều hành cảng Mukran chấm dứt công việc hậu cần kỹ thuật cho dự án Nord Stream 2. Phía Mỹ đưa ra những lời lẽ đe dọa ban quản lý và nhân viên của cảng mặc dù họ thực hiện các công việc hoàn toàn hợp pháp. Cảng Mukran đang đóng vai trò là cơ sở hậu cần cho quá trình hoàn thành đường ống và là nơi neo đậu cho các tàu đặt đường ống của Nga. Nhìn chung, lãnh đạo chính quyền 6 khu vực miền Đông nước Đức đang bày tỏ sự ủng hộ đối với việc hoàn thành Nord Stream 2.
Theo tạp chí Der Spiegel (Đức), dự án Nord Stream 2 đã được chứng minh là có tầm quan trọng lớn đối với Đức và nhiều nước châu Âu trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Đức trong tương lai. Cảnh báo của một số nghị sĩ Đức là phản ứng trước những đề xuất thỏa thiệp với Mỹ của Chính phủ Đức về tăng cường nhập khẩu nhiên liệu LNG của Mỹ vào châu Âu. Tuy nhiên, phía Mỹ đã sớm bác bỏ đề xuất của Đức về đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng hai cảng tiếp nhận LNG từ Mỹ để đổi lấy việc miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết, phía Mỹ không xem xét triển vọng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng như một câu chuyện kinh tế thuần túy. Quan điểm của Mỹ là Nga đang đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu và gây sức ép không chỉ đối với EU mà còn cả Ukraine bằng công cụ sử dụng nguồn cung khí đốt. Chính quyền Nga và tập đoàn dầu khí Gazprom đã nhiều lần nhấn mạnh Nord Stream 2 có bản chất kinh tế thuần túy. Tổng công suất của hai nhánh đường ống là 55 tỷ m3/năm. Như vậy tổng công suất thiết kế của hai dự án Nord Stream và Nord Stream 2 là 110 tỷ m3/năm.
Số phận của dự án Nord Stream 2 ngày càng phức tạp hơn và bị giằng xé đan xen giữa những toan tính kinh tế và chính trị giữa một bên là Mỹ và một số đồng minh ra sức chống lại ảnh hưởng năng lượng của Nga tại thị trường châu Âu và một bên là Nga, các công ty tham gia dự án và một bộ phận chính giới EU. Tại thời điểm này, cả nhà điều hành Nord Stream 2 và tập đoàn Gazprom đều chưa có những động thái bắt đầu công việc lắp đặt đường ống trên thực địa. Phía chính quyền Đức hiện đang chịu nhiều áp lực nhất từ các bên để đưa ra quyết định về số phận của dự án. Việc đẩy vấn đề lên cấp độ toàn EU của Thủ tướng Merkel có thể nhằm mục đích giảm áp lực lên Chính phủ Đức và tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính của EU trong trường hợp dừng dự án và bồi thường cho các tập đoàn, công ty tham gia Nord Stream 2.