Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp ở Los Angeles
Ngày 10/1, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tại bang California, nhằm đối phó với tác động nghiêm trọng của các vụ cháy rừng tại hạt Los Angeles. Đây là bước đi nhằm hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả cho người dân trong bối cảnh thảm họa ngày càng gia tăng.
Cháy rừng bùng phát từ ngày 7/1 tại Los Angeles đã gây ra những hậu quả nặng nề khiến 10 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, gần 10.000 công trình bị thiêu rụi hoàn toàn. Khói mù dày đặc khiến nhiều trường học phải đóng cửa, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Dự báo, thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới khi lửa vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Tổng thống Joe Biden đã khẳng định chính phủ liên bang sẽ chi 100% kinh phí trong vòng 6 tháng tới để khắc phục hậu quả cháy rừng. Cung cấp mọi nguồn lực cần thiết để hỗ trợ California dập tắt cháy rừng, tái thiết và ổn định cuộc sống người dân.
Cơ quan Quản lý Ứng phó và Chuẩn bị Chiến lược (ASPR) cũng đã sẵn sàng triển khai nhân lực, vật tư y tế và thiết bị đến các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo các nhà khoa học từ Đại học California San Diego, nồng độ bụi mịn tại Los Angeles đã vượt xa mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, dao động từ 40-100 microgam/m³ (so với mức tối đa 5 microgam/m³).
Các chuyên gia cảnh báo, khói mù từ cháy rừng làm tăng tỷ lệ tử vong hàng ngày từ 5-15%, đặc biệt đối với người mắc bệnh nền về tim, phổi và người cao tuổi cũng như trẻ em.
Tiến sĩ Afif El-Hasan, phát ngôn viên Hiệp hội Phổi quốc gia Mỹ, nhấn mạnh rằng các sản phẩm phụ từ vật liệu nhân tạo bị cháy có thể xâm nhập sâu vào phổi, thậm chí vào máu, làm gia tăng nguy cơ đau tim và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Chính quyền địa phương đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h sáng hôm sau tại các khu vực bị tàn phá nặng như Pacific Palisades và Eaton.
Mục tiêu là để ngăn chặn nạn cướp bóc và bảo vệ tài sản của những người dân đã sơ tán. Cảnh sát trưởng quận Robert Luna khẳng định những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị bắt giữ.
Các chuyên gia cho biết, ảnh hưởng của cháy rừng không chỉ dừng lại ở hiện tại mà có thể kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt với những người mắc bệnh hô hấp hoặc dị ứng. Nghiên cứu theo dõi sẽ được tiến hành để đánh giá chính xác hơn tác động sức khỏe lâu dài đối với cộng đồng.