Mỹ bàn việc ban hành luật quản lý AI
Quốc hội Mỹ tuần rồi tổ chức diễn đàn và điều trần về AI với sự tham gia của hàng loạt ông lớn công nghệ ở Mỹ, mục tiêu nhằm tiến tới ban hành luật quản lý AI vào cuối năm nay.
Đà phát triển nhanh và phức tạp ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), có thể liên tưởng đến các ứng dụng gây tranh cãi gần đây như ChatGPT của OpenAI do Microsoft hậu thuẫn, là một thách thức buộc các cơ quan quản lý phải khẩn trương và nỗ lực thống nhất luật điều chỉnh việc sử dụng công nghệ này.
Chính phủ cần vào cuộc quản lý AI
Diễn biến mới và đáng chú ý liên quan việc này vừa diễn ra tại Mỹ - cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới vốn đang muốn có các biện pháp bảo vệ chống lại các sản phẩm công nghệ giả tiềm ẩn nguy hiểm như video không có thật, lợi dụng công nghệ can thiệp bầu cử, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, theo hãng tin Reuters.
Các nhà lập pháp Mỹ đã có một tuần bận rộn bàn chuyện quản lý AI. “Diễn đàn chuyên sâu AI” do lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tổ chức ngày 13-9, có sự tham dự của hơn 60 thượng nghị sĩ, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các lãnh đạo của 22 gã khổng lồ công nghệ, theo đài CNN. Trong số này có CEO Meta Platforms - ông Mark Zuckerberg; CEO Tesla, chủ sở hữu X (Twitter) Elon Musk; CEO Sundar Pichai của Google; ông Sam Altman từ OpenAI; người sáng lập Microsoft - ông Bill Gates… Nội dung thảo luận về các ưu tiên và rủi ro của AI cũng như cách quản lý công nghệ này.
Các nhà lập pháp Mỹ đã có một tuần bận rộn bàn chuyện quản lý AI.
Trao đổi với báo chí sau 3 giờ thảo luận, ông Schumer cho biết tất cả những người dự diễn đàn đều giơ tay biểu thị “có” khi được hỏi liệu chính phủ có nên giám sát AI hay không.
Trao đổi với các PV bên ngoài diễn đàn, CEO Altman của OpenAI nói rằng ông rất ấn tượng với tốc độ chính phủ Mỹ muốn tạo ra các quy tắc xung quanh công nghệ.
Ông Musk chia sẻ với PV rằng “hậu quả của việc sử dụng sai AI là rất nghiêm trọng”, một lúc nào đó có thể sẽ cần có một cơ quan độc lập để quản lý AI. Theo vị CEO của X, “điều quan trọng đối với chúng tôi là phải có trọng tài” để các công ty không chạy các sản phẩm AI không được kiểm soát.
Ông Zuckerberg cũng cho rằng “Quốc hội nên tham gia vào AI để hỗ trợ sự đổi mới và các biện pháp bảo vệ”. Meta xây dựng các biện pháp bảo vệ vào các mô hình AI tổng quát của mình và cân nhắc kỹ lưỡng về cách triển khai các sản phẩm hỗ trợ AI, theo ông Zuckerberg.
Đây là phiên thảo luận đầu tiên trong số chín phiên nhằm tiến tới đồng thuận, trong bối cảnh Thượng viện chuẩn bị soạn thảo luật quản lý AI. Dự kiến Quốc hội Mỹ sẽ đưa ra luật quản lý AI vào cuối năm nay, theo tờ The Washington Post.
“Với AI, chúng ta không thể giống như những con đà điểu vùi đầu vào cát” - lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer.
Không thể vội
Ông Schumer nói rằng đã có sự đồng thuận sau phiên thảo luận về sự cần thiết phải có quy định về AI, tuy nhiên theo CNN, những người tham dự vẫn băn khoăn về vai trò của chính phủ và các chi tiết cụ thể về luật pháp.
Các nhóm xã hội dân sự lên tiếng lo ngại về những mối nguy hiểm có thể xảy ra của AI, chẳng hạn như nguy cơ các thuật toán có thể vô tình phân biệt đối xử với người thiểu số hoặc chúng có thể sử dụng các tác phẩm có bản quyền của các nhà văn và nghệ sĩ mà không bồi thường hoặc xin phép. Một số tác giả đã kiện OpenAI liên quan những điều này, theo CNN. Các nhà xuất bản tin tức như CNN, The New York Times là một số nhà sản xuất nội dung đã chặn ChatGPT sử dụng nội dung của mình.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội nghị lãnh đạo về dân sự và nhân quyền Mỹ Maya Wiley khẳng định rằng: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng đó là một quá trình thực sự dân chủ với đầy đủ tiếng nói, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự cân bằng”.
Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Mỹ Randi Weingarten cho rằng nước Mỹ không thể mắc sai lầm tương tự với AI như đã mắc phải với mạng xã hội. Theo bà, “chúng ta đã không hành động khi mạng xã hội cho thấy tác động có hại đến sức khỏe tâm thần của trẻ em” và giờ “AI cần bổ sung chứ không phải thay thế các nhà giáo dục và phải có sự quan tâm đặc biệt để ngăn ngừa tác hại cho học sinh”.
Thách thức là làm sao giảm thiểu được rủi ro xã hội của AI, bao gồm chuyện phân biệt đối xử dựa trên công nghệ, đe dọa đối với an ninh quốc gia và thậm chí như ông Musk nói là “rủi ro văn minh” nhưng vẫn phát huy những lợi ích của AI.
Sau cuộc thảo luận, ông Schumer nói với các PV rằng Mỹ không thể vội vàng đưa ra quy định vì “nếu đi quá nhanh, có thể phá hỏng mọi thứ”.•
Điều trần thường xuyên về AI
Một ngày trước “Diễn đàn chuyên sâu AI”, ngày 12-9, Tiểu ban Tư pháp, công nghệ và luật của Thượng viện tổ chức phiên điều trần chủ đề “Giám sát AI: Lập pháp về trí tuệ nhân tạo”. Tham gia có Phó Chủ tịch Microsoft - ông Brad Smith, Phó Chủ tịch nghiên cứu cấp cao Tập đoàn NVIDIA - ông Bill Dally, Giáo sư luật và khoa học máy tính tại ĐH Northeastern (Mỹ) - ông Woodrow Hartzog.
Tiểu ban đã đặt ra các câu hỏi về các lo ngại liên quan sử dụng AI như tin giả, sản phẩm công nghệ giả, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu đối với trẻ em. Nhiều tháng qua, Quốc hội đã tổ chức các phiên điều trần khá thường xuyên về các chủ đề khác nhau xung quanh quy định về AI. Nhà Trắng cũng nhận được cam kết tự nguyện từ các công ty AI (như Adobe, IBM, NVIDIA…) để phát triển AI một cách có trách nhiệm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/my-ban-viec-ban-hanh-luat-quan-ly-ai-post751693.html