Mỹ bất ngờ phát hiện nhược điểm khó tin của hệ thống tên lửa Typhon
Hệ thống tên lửa Typhon mới được đưa vào sử dụng cho nên việc phát sinh lỗi kỹ thuật là khá bình thường. Tuy nhiên việc triển khai hệ thống này tại khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương sẽ trở nên phức tạp hơn.

Hệ thống tên lửa Typhon có một lỗi kỹ thuật vừa được phát hiện, khiến việc sử dụng vũ khí này ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Lục quân Mỹ có trong biên chế 2 tổ hợp Typhoon, có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk tầm xa 1.800 km và tên lửa phòng không SM-6 - loại đạn này cũng có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất cách xa 460 km khi bay theo quỹ đạo đạn đạo.

Quân đội Mỹ xác định địa điểm chính để triển khai các hệ thống vũ khí này chính là khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, để sẵn sàng sử dụng trong trường hợp xảy ra tình huống xung đột vũ trang tiềm tàng.

Mặc dù vậy, việc triển khai cần đặc biệt chú ý đến kiến trúc địa hình và năng lực đáp ứng hậu cần của khu vực, bởi địa bàn này được đặc trưng bởi rất nhiều đảo hòn nhỏ, ngoài ra các thành phố có những con phố hẹp.

Vấn đề tiếp theo cần lưu tâm ở chỗ đây là vùng nhiệt đới, đất mềm do lượng mưa trong năm khá lớn, cho nên việc di chuyển thiết bị hạng nặng, kích thước lớn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

Mỗi tổ hợp tên lửa Typhoon bao gồm 4 bệ phóng, 1 trạm chỉ huy, 1 xe nạp đạn và các xe hỗ trợ. Trong đó xe bệ phóng, xe điều khiển và xe nạp đạn về cơ bản là những chiếc xe tải có rơ moóc, nghĩa là chúng cồng kềnh và không phù hợp với địa hình như đã nêu ở trên.

Ngoài ra việc cơ động tổ hợp đến một hòn đảo khác đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng cảng biển phù hợp, hoặc đường băng dài ít nhất 1.065 mét cho máy bay vận tải hạng nặng cất hạ cánh, thực tế trên hạn chế sự cơ động trong khu vực.

Hiểu được những yếu tố bất lợi trên, Quân đội Mỹ đã quan tâm đến bệ phóng tên lửa tầm xa di động không người lái (LRF), có thể thay thế hoặc bổ sung cho các bệ phóng Typhon tiêu chuẩn.

Điều này sẽ làm tăng đáng kể tính cơ động và tốc độ triển khai của toàn bộ tổ hợp, bởi vì LRF thậm chí có thể được cơ động bằng trực thăng CH-47 Chinook, khi nó được chế tạo dựa trên khung gầm xe không người lái mặt đất JLTV ROGUE Fires.

Khác với hệ thống Typhon có 4 bệ phóng thẳng đứng kiểu Mk 41, LRF chỉ có 1 bệ phóng, nó nhỏ gọn, nhẹ và nhanh hơn đáng kể, đáng kể nhất là không có người điều khiển, giúp đảm bảo nhân sự ở vị trí an toàn.

LRF hiện đã được đưa vào sử dụng trong Thủy quân Lục chiến Mỹ - lực lượng trước đó đã bắt đầu nhận được các bệ phóng NMESIS với khái niệm tương tự nhưng được trang bị tên lửa chống hạm NSM.

Trong năm tài chính 2025, Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ nhận được 8 đơn vị LRF và đến năm 2031 có thêm 46 xe nữa được đưa vào thành phần tác chiến.

Nhưng liệu Lục quân Mỹ có mua các hệ thống tương tự Thủy quân Lục chiến hay không thì phải có đánh giá chi tiết về chiến trường với khả năng xảy ra hoạt động tác chiến nhiều nhất.

Đối với vấn đề này, thời gian sẽ đưa ra câu trả lời chính xác, nhưng việc phát hiện sớm những nhược điểm và hạn chế kỹ thuật của một vũ khí mới đưa vào sử dụng sẽ giúp cho giới chức quân sự Mỹ có sự chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc chiến tương lai.