Cơ quan tình báo Hàn Quốc đang điều tra về cáo buộc các kỹ sư Indonesia đã đánh cắp dữ liệu nhạy cảm liên quan tới tiêm kích KF-21 Boramae. Một số kỹ sư liên quan không được phép rời khỏi Hàn Quốc.
Tuy nhiên đang có những nghi ngờ mới nổi lên cho rằng, đối tượng chủ mưu đằng sau vụ đánh cắp dữ liệu KF-21 Boramae không phải là các kỹ sư đến từ vạn đảo.
Nếu nhóm kỹ sư Indonesia được chứng minh là vô tội thì Hàn Quốc phải khôi phục danh tiếng của họ trong chương trình chiến đấu cơ KF-21 Boramae.
Những phát hiện mới trong khi điều tra dường như mâu thuẫn với giả định ban đầu.
Để hiểu toàn bộ bối cảnh, cần lưu ý là dự án KF-21 Boramae được trang bị công nghệ tiên tiến từ Mỹ.
Mặc dù Hàn Quốc được coi là nước độc lập đảm nhận việc tạo ra 4 công nghệ cốt lõi cho KF-21 Boramae, nhưng thực tế là Mỹ vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong dự án chiến đấu cơ mới này.
Có thể nói, KF-21 tồn tại được là nhờ F-35. Cụ thể Hàn Quốc đã tuân thủ đề xuất của Mỹ và mua 59 chiếc F-35, đổi lại nhận được hỗ trợ công nghệ cho chương trình KF-21 Boramae.
Thực tế Mỹ đồng ý hỗ trợ chương trình KF-21 Boramae là để bảo toàn thị trường F-35. Họ ngầm tìm cách ngăn tiêm kích KF-21 Boramae tiếp cận các thị trường tiềm năng của F-35 là Ba Lan và Indonesia.
Trước đó Mỹ đã chiếm lĩnh thị phần trước các đối thủ cạnh tranh của F-35 là Su-57 và Su-35 Nga.
Không những vậy F-35 còn giành chiến thắng trước hàng loạt chiến đấu cơ phương Tây như Rafale, JAS 39 Gripen và Eurofighter Typhoon.
Không thể phủ nhận những bước tiến vượt bậc mà Mỹ đã đạt được với dự án tiêm kích tàng hình F-35. Họ đã cho xuất xưởng hàng ngàn chiếc và được đông đảo đồng minh và đối tác đặt mua.
Tuy vậy một số chuyên gia phân tích vũ khí cho rằng, Mỹ vẫn lo ngại về thị phần mà KF-21 Boramae có thể tạo ra. Trước đây Mỹ cũng đã từng khiến dự án tiêm kích Lavi của Israel chết yểu vì lo ngại chúng chiếm thị phần của F-16.
Các báo cáo gần đây của Hàn Quốc đã phần nào cho thấy cáo buộc của họ đối với các kỹ sư Indonesia là quá vội vàng.
Mỹ bị cho là đã tiến hành các hoạt động gián điệp đối với chương trình KF-21 Boramae, thu thập thông tin quan trọng về 4 công nghệ lõi mà Hàn Quốc quyết định không tiết lộ trước đó.
Phản ánh về những tiết lộ này, trang Min.news nhận định: “Vụ đánh cắp dữ liệu liên quan đến KF-21 Boramae có khả năng liên quan đến các quốc gia phương Tây và có thể gây ra mối bất hòa ngoại giao không lường trước được giữa Hàn Quốc và Mỹ”.
Rất có khả năng Mỹ đã theo dõi chương trình KF-21 Boramae vì thực tế là họ không muốn loại chiến đấu cơ này xuất hiện trên thị trường vũ khí.
Khả năng cao là Hàn Quốc đang xoay hướng điều tra về sự liên quan của Mỹ đến vụ đánh cắp dữ liệu KF-21 mà trước đó họ đã suy đoán là do các kỹ sư Indonesia thực hiện.
Từ năm 2025- 2029, Indonesia dường như đã sẵn sàng đấu thầu mua 50 máy bay chiến đấu mới.
Trong bối cảnh đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu đó là sự cạnh tranh giữa KF-21 Boramae và F-35.
Một trong những công nghệ quan trọng nhất được sử dụng trên KF-21 là hệ thống radar mảng quét điện tử chủ động [AESA]. Công nghệ này được phát triển bởi các công ty Mỹ là Raytheon và Northrop Grumman.
Một công nghệ quan trọng khác của Mỹ cũng được chia sẻ cho KF-21 là Bộ hệ thống điện tử tích hợp, tương tự như công nghệ được sử dụng trên F-35 Lightning II.
Hệ thống này tích hợp nhiều thành phần điện tử hàng không khác nhau như hệ thống dẫn đường, liên lạc, nhận dạng và theo dõi tình trạng máy bay vào một hệ thống đơn lẻ.
Hơn nữa, KF-21 cũng đang sử dụng vật liệu tiên tiến và công nghệ tàng hình, phần lớn được phát triển ở Mỹ.
Cuối cùng, công nghệ động cơ của KF-21 cũng chịu ảnh hưởng của Mỹ. Máy bay sử dụng hai động cơ General Electric F414-GE-400K, là biến thể của động cơ được sử dụng trên F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ.
Những động cơ này mang lại cho KF-21 tốc độ và khả năng cơ động vượt trội.
Việc chia sẻ một số công nghệ tối tân, kết hợp với việc tiếp cận được những công nghệ lõi có thể khiến Mỹ có thể tác động lớn tới số phận của KF-21 trên thị trường xuất khẩu.
Tuy vậy cho tới nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ Mỹ và Hàn Quốc về những cáo buộc này.