Mỹ biến Stryker thành tăng hạng nhẹ đấu với Sprut-SD
Thua thiệt trong phân khúc tăng hạng nhẹ so với Nga, Mỹ quyết định nâng cấp xe chiến đấu Stryker với trọng pháo 105mm để đối trọng với tăng nhảy dù Sprut-SD.
Gói trang bị pháo 105mm cho xe Stryker là một phần trong gói nâng cấp cỗ xe chiến đấu này thành chiến tăng hạng nhẹ. Chương trình nâng cấp tập trung chính vào phần thượng tầng với tháp pháo Cockerill 3030 - sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Phát triển Vũ khí (ARDEC) thuộc Lục quân Mỹ.
Theo nhà sản xuất, tháp pháo này nặng khoảng 5 tấn, có thể tự động hoặc do kíp lái trực tiếp điều khiển. Nhờ thiết kế theo hướng module hóa cao, tháp pháo có thể trang bị được nhiều loại pháo khác nhau từ 30mm đến 105mm.
Vũ khí phụ tích hợp trên tháp pháo Cockerill 3030 gồm có súng máy đồng trục 7,62mm (khi hết đạn hoặc cần thiết có thể tháo bỏ để lắp một tháp vũ khí điều khiển từ xa cỡ nhỏ), trong khi bên rìa của tháp pháo còn có không gian cho hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển ATGM.
Bên cạnh đó, tháp pháo còn được lắp hệ thống tìm kiếm-chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR thế hệ mới, hệ thống phóng lựu đạn khói/lựu đạn sát thương, hệ thống cảnh báo quang-điện tử, và hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến.
Mục tiêu của chương trình nhằm giúp Lục quân Mỹ có thể hoàn thành kế hoạch thành lập lữ đoàn xe Stryker đầu tiên trang bị pháo 30mm và 105mm hỏa lực cao vào năm 2022. Gói trang bị này nhằm giúp Lục quân nước này sở hữu cỗ xe chiến đấu có hỏa lực đương tương xe tăng chiến đấu hạng nhẹ và đủ sức cạnh tranh với dòng Sprut-SD của Nga.
Nguyên bản, Stryker là dòng xe chiến đấu bánh lốp 8x8 bắt đầu được biên chế từ tháng 10/2003. Hỏa lực tiêu chuẩn trên xe Stryker bao gồm súng máy hạng nặng M2 12,7mm, súng phóng lựu MK19 40mm và súng máy MK240 7,62mm.
Hiện tại, quân đội Mỹ có khoảng 4466 xe Stryker, trong đó chủ yếu phục vụ trong Lục quân Mỹ. Các đơn vị bộ binh được triển khai bằng xe Stryker là một trong các lực lượng chiến đấu mũi nhọn đầu tiên tham chiến.
Với gói trang bị mới, đặc biệt là trọng pháo 105mm, Stryker sở hữu những phát bắn có sức công phá khủng khiếp. Mặc dù vậy, để đối trọng được với cỗ tăng hạng nhẹ Sprut-SD của Nga là điều gần như không thể.
Bởi theo nhà sản xuất Nga, dù là dòng tăng hạng nhẹ nhưng Sprut-SD được cho là đủ sức đánh bại cả những cỗ tăng hạng nặng Abrams của Mỹ và Merkava của Israel.
Sprut-SD với trọng lượng nhẹ chỉ 18 tấn nhưng lại được trang bị 01 pháo nòng trơn 2A75 125mm (pháo lớn nhất của Stryker 105mm) với cơ số 40 viên đạn, giúp cho sức mạnh của nó có thể sánh ngang với những xe tăng chiến đấu chủ lực.
Đặc điểm nổi bật của Sprut-SD là khả năng lội nước nhờ 2 chân vịt ở phía đuôi mà không cần trang bị thêm các thiết bị bổ sung, giúp xe có thể đạt tốc độ di chuyển 8 - 10km/h khi ở dưới nước - tính năng không một cỗ tăng hạng nặng nào có được.
Nhiệm vụ chính của Sprut-SD chính là một phương tiện bọc giáp có khả năng cơ động, đột kích cao trên mọi địa hình, sử dụng hỏa lực mạnh (pháo tăng, tên lửa dẫn đường chống tăng bắn từ nòng pháo) để tiêu diệt xe tăng của đối phương.
Ngoài pháo 125mm và tên lửa dẫn đường chống tăng, Sprut-SD còn được trang bị 01 súng máy đồng trục PKTM 7,62mm (cơ số 2.000 viên đạn).
Tính năng làm nên sự khác biệt của Sprut-SD với Stryker, Abrams và Merkava là phương tiện này có thể vừa bơi vừa bắn như khi ở trên cạn. Sau đó nhanh chóng đổ bộ từ dưới nước lên bờ tiếp tục cơ động và thực hiện nhiệm vụ tấn công.
Dễ dàng nhận thấy, 2 bên sườn phía trước tháp pháo của Sprut-SD có thiết kế vát góc để giảm thiểu ảnh hưởng của đạn pháo, tên lửa đối phương. Phía sau tháp pháo được gắn thêm 6 ống phóng lựu đạn khói.
Trong khi đó, Stryker ngoài việc được tăng cường hỏa lực không thấy Mỹ nói đến khả năng phòng vệ cũng như chịu đòn từ đối phương.