Mỹ: Biểu tình tiếp diễn, nhiều thành phố áp đặt lệnh giới nghiêm
Nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ vì vụ người đàn ông da màu tử vong sau khi bị cảnh sát bắt, một loạt thành phố đã ban bố lệnh giới nghiêm để ngăn chặn nguy cơ bạo lực.
Trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc với nhiều quy mô khác nhau đã nổ ra trên khắp nước Mỹ từ ngày 29/5 nhằm bày tỏ phẫn nộ về vụ người đàn ông da màu George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, ngày 30/5, một loạt thành phố đã ban bố lệnh giới nghiêm để ngăn chặn nguy cơ bạo lực có thể xảy ra.
Tại 3 thành phố Los Angeles, Philadelphia và Atlanta, lệnh giới nghiêm đã được áp đặt trong ngày 30/5. Lệnh giới nghiêm trong 2 đêm (áp đặt từ 17 giờ chiều) cũng được thực thi tại thành phố Louisville, Kentucky và Seattle.
Thị trưởng Seattle Jenny Durkan cho biết quyết định trên được đưa ra nhằm ngăn chặn bạo lực và tình trạng phá hoại tài sản, thậm chí dịch bệnh COVID-19 có thể lây nhiễm khi xảy ra tụ tập đông người. Theo thông báo của thành phố lớn nhất thuộc bang Washington này, người dân và cả khách du lịch nên ở trong nhà và hạn chế tối đa việc đi lại trong thời điểm lệnh giới nghiêm được thực thi. Ngoài ra, lệnh này không ảnh hưởng tới những người cần phải đi làm việc, phục vụ dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp và truyền thông. Lệnh giới nghiêm cũng không yêu cầu các nhà hàng phải đóng cửa.
Thị trưởng Minneapolis, Jacob Frey đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm sau 3 đêm liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực tại thành phố lớn nhất bang Minnesota miền Trung Tây nước Mỹ này. Lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 20h00 hôm trước đến 6h00 hôm sau, bắt đầu từ tối 29/5, tại tất cả các địa điểm công cộng, bao gồm mọi ngả đường trong thành phố.
Vi phạm lệnh giới nghiêm có thể bị phạt tiền đến 1.000 USD hoặc bị phạt tù 90 ngày. Cùng ngày, tại thành phố St. Paul giáp Minneapolis, Thị trưởng Melvin Carter cho biết đã ký một sắc lệnh tình trạng khẩn cấp địa phương, theo đó cũng áp đặt giới nghiêm từ 29/5.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, một số vụ đụng độ giữa cảnh sát thành phố này và những người biểu tình quá khích đã xảy ra đêm 29/5 rạng sáng 30/5, cả hai phía đều có người bị thương. Đây là đêm thứ hai liên tiếp tình hình căng thẳng leo thang ở thành phố New York khi khoảng 3.000 người tụ tập biểu tình ở vòng xoay Trung tâm Barclays ở quận Brooklyn. Một số người ném chai lọ, gạch đá buộc cảnh sát phải đáp trả bằng xịt hơi cay. Ít nhất 3 xe cảnh sát đã bị đốt cháy và đập phá.
Đến sáng 30/5, cảnh sát đã bắt giữ hơn 200 người. Hai nghị sĩ của bang thuộc đảng Dân chủ cũng bị bắt trong cuộc biểu tình. Tại khu vực trung tâm thương mại ở Los Angeles, ít nhất 500 người đã bị bắt khi cố tình phá hoại và cướp bóc tài sản công. Kênh truyền hình khu vực đã phát đi những hình ảnh người biều tình đụng độ với cảnh sát và phá một số cửa hàng.
Đêm 29/5 (giờ địa phương), cảnh sát thành phố Houston, bang Texas cũng bắt giữ gần 200 người biểu tình quá khích. Theo cơ quan cảnh sát sở tại, những người này sẽ bị cáo buộc gây rối trật tự trị an nơi công cộng. Ngoài ra, 4 sĩ quan cảnh sát đã bị thương nhẹ trong các cuộc xô xát với người biểu tình và 8 xe của cảnh sát bị hư hại.
Công dân Mỹ gốc Phi George Floyd đã tử vong ngày 25/5 sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ. Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được xác định là Derek Chauvin, đã đè cổ ông Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút, trong khi ông này nằm sấp, bị còng tay và nói mình không thở được. Ông Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Viên cảnh sát Chauvin đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát./.