Mỹ bổ nhiệm đại diện đặc biệt về Palestine
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa bổ nhiệm đại diện đặc biệt mới về các vấn đề của người Palestine và việc này được dư luận đánh giá là một sự 'nâng cấp đáng kể' trong quan hệ với Palestine mặc dù trên thực tế phái bộ ngoại giao Mỹ tại Palestine đặt ở Jerusalem đã bị cựu Tổng thống Donald Trump đóng cửa vào năm 2019 vẫn chưa mở trở lại.
Nhà Trắng thông báo với Quốc hội Mỹ hôm 22/11 về việc bổ nhiệm chức đại diện đặc biệt này. Người được bổ nhiệm là ông Hady Amr, trước đây là Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Israel-Palestine. Vị trí ông vừa được bổ nhiệm mới được thành lập có trụ sở tại Washington. Ông Amr sẽ hợp tác chặt chẽ với Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Cận Đông và với các nhà ngoại giao tại Văn phòng phụ trách các vấn đề Palestine có trụ sở tại Jerusalem.
Với việc bổ nhiệm ông Amr, phải chăng chính quyền Tổng thống Biden muốn “nâng cấp” quan hệ của Mỹ với Palestine hay đây chỉ là động thái “chữa cháy”, như lo ngại của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas?
Được biết, Tổng thống Palestine Abbas ban đầu do dự trong việc chấp nhận ý tưởng về vai trò đại diện đặc biệt mới khi nó được đề xuất vào đầu năm nay, vì e ngại điều đó có nghĩa là cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Biden về việc mở lại lãnh sự quán Mỹ với Palestine ở Jerusalem sẽ không thành hiện thực.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ, trong đó có Đại sứ tại Israel Tom Nides, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Washington vẫn cam kết mở cửa lại phái bộ ngoại giao ở Jerusalem và hướng tới một giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ này.
Ông Amr (58 tuổi) là người Mỹ gốc Lebanon, từng là nhà kinh tế học và nhà phân tích chính sách đối ngoại trước khi gia nhập Bộ Quốc phòng của chính quyền cựu Tổng thống Clinton. Kể từ năm 2014, ông liên tục đảm nhiệm các vai trò liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine, được các nhà ngoại giao Israel và Palestine đánh giá cao.
Trong chuyến thăm khu vực Trung Đông vào tuần trước, ông Amr được cho là đã thúc giục các quan chức Palestine thực hiện những cải cách nghiêm túc để củng cố tính hợp pháp của PA (chính quyền Palestine), đồng thời nói với các quan chức Israel rằng Tel Aviv phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ PA, trong bối cảnh lo ngại rằng trên thực tế cơ quan chính quyền của Palestine đang mất quyền kiểm soát tại các thành phố phía Bắc khu Bờ Tây. Thực tế, Israel và PA phần nhiều phối hợp về các vấn đề an ninh. Ông Amr cho biết Israel cũng phải tuân thủ các cam kết gần đây nhằm cải thiện mức sống và củng cố nền kinh tế đang gặp khó khăn ở khu Bờ Tây và Dải Gaza để giúp dập tắt bạo lực.
Tuy vậy, những vấn đề ông Amr đặt ra sẽ khó thực hiện hơn khi Israel đang trong giai đoạn thay đổi chính quyền từ trung tả sang cực hữu. Chính phủ tôn giáo cực hữu sắp tới của Israel do ông Benjamin Netanyahu lãnh đạo sẽ là trở ngại lớn nhất cho những ý định mà ông Amr đề cập, bởi ông Netanyahu sẽ không mặn mà thực hiện những lời hứa của chính quyền tiền nhiệm.
Cần biết rằng những vấn đề của người Palestine dưới thời ông Netanyahu làm thủ tướng trước đây đã trở nên khó giải quyết, các cuộc đàm phán hòa bình lâm vào bế tắc, bạo lực không thể kiềm chế, khi ông thúc đẩy những chính sách từng bước mở rộng xâm lấn, trục xuất người Palestine ra khỏi những khu vực cư trú của họ để giành đất trước khi có bất kỳ cuộc đàm phán nào hay thỏa thuận nào được xúc tiến, ký kết.
Trong hơn 10 năm kể từ khi ông Netanyahu làm Thủ tướng Israel, vấn đề Palestine được xem như “đã chết” và mọi nỗ lực của cả Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm nối lại đàm phán với người Palestine đều không hiệu quả. Ông Netanyahu ngày càng trở nên cực đoan trong vấn đề người Palestine. Ngoài việc đặt ra điều kiện người Palestine phải công nhận sự tồn tại của nhà nước - quốc gia Do Thái của người Israel, ông Netanyahu luôn tìm cách làm cho giải pháp “hai nhà nước” mà “bộ tứ” (gồm Mỹ, Nga, EU, Liên hợp quốc) vạch ra cách đây gần 30 năm ngày càng trở nên khó thực hiện hơn. Đã có nhiều giai đoạn, nhất là dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, việc chính quyền Mỹ ủng hộ các chính sách của Israel, phong tỏa và cắt viện trợ đối với người Palestine đã khiến người Palestine phẫn nộ, từ đó khó giải quyết mọi vấn đề đàm phán.
Từ việc bị Mỹ và Israel gò ép, người Palestine đã tự mình tiến hành các bước để được các tổ chức đa phương của Liên hợp quốc công nhận nhà nước trên thực tế. Palestine đã được mời dự với tư cách một nhà nước độc lập tại một số diễn đàn quốc tế.
Tuy nhiên, sau 4 năm ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, với sự ưu ái đặc biệt dành cho Israel, đã làm cho vấn đề đàm phán hòa bình hoàn toàn bế tắc. Israel tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng tại các khu định cư Do Thái trên đất của người Palestine, đồng thời tháo dỡ nhà cửa, trục xuất người Palestine ra khỏi các khu vực cư trú của họ. Điều này làm dấy lên làn sóng phản ứng phẫn nộ của người Palestine, khiến bạo lực bùng lên.
Gần đây, tình hình an ninh tại các vùng đất Palestine bị chiếm đóng cũng đã trở nên rất xấu, với loạt vụ tấn công bạo lực diễn ra liên tục từ đầu 2022. Năm 2022 là năm nguy hiểm nhất đối với người Palestine sống trên các vùng lãnh thổ khu Bờ Tây và ở Đông Jerusalem bị Israel thôn tính kể từ năm 2005, với hơn 150 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Riêng khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến nay là giai đoạn có mức độ leo thang bạo lực dữ dội nhất với số thương vong của người Palestine rất cao. Israel lấy danh nghĩa truy quét thành phần người Palestine đã gây ra các vụ tấn công ở Israel, nên tiến hành nhiều vụ oanh kích bằng tên lửa vào các khu vực dân cư ở khu Bờ Tây và Dải Gaza, gây ra nhiều thương vong.
Tình hình bạo lực và đặc biệt là việc ông Netanyahu quay trở lại làm Thủ tướng Israel sẽ là thách thức không nhỏ đối với ông Amr trong vai trò là đại diện đặc biệt của Tổng thống Biden để giải quyết các vấn đề giữa người Palestine và Israel - những vấn đề mà gần 30 năm qua, các đời Tổng thống Mỹ không thể giải quyết.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/my-bo-nhiem-dai-dien-dac-biet-ve-palestine-i675800/