Mỹ bước vào cuộc chiến công nghệ sinh học với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12-9 ký sắc lệnh hành pháp về thực hiện sáng kiến mới khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nước, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Sáng kiến này sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp, công nghiệp chất dẻo và năng lượng.
Các quan chức Nhà Trắng hy vọng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đặc biệt là dược phẩm. Một quan chức Nhà Trắng nói với hãng tin Reuters: "Các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này gây ra rủi ro cho vị trí dẫn đầu và khả năng cạnh tranh của Mỹ".
Nguồn tin Nhà Trắng cho biết chính phủ muốn hỗ trợ các lĩnh vực chế tạo các sản phẩm công nghệ sinh học trong nước, thay vì để các công nghệ mới của Mỹ tiến hành ở nước ngoài.
Mỹ là một trong những nước phát triển nhất thế giới về ngành công nghệ sinh học, một số ngành sản xuất công nghệ cao đã được phổ biến ra nhiều nước. Các quan chức tình báo và an ninh quốc gia Mỹ đặc biệt lo ngại về việc phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng sản xuất sinh học tiên tiến của Trung Quốc.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Sáng kiến Công nghệ Sinh học và Sản xuất Sinh học Quốc gia sẽ nhằm tạo ra nhiều việc làm mới, củng cố chuỗi cung ứng và hạ giá thành. Nhìn xa hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Mỹ sẽ hướng tới việc thúc đẩy sản xuất sinh học trong nông nghiệp, năng lượng và các ngành công nghiệp khác.
Nhà Trắng cho biết: "Ngành công nghiệp toàn cầu đang trên đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp được hỗ trợ bởi công nghệ sinh học. Mỹ đã phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu và sản phẩm sinh học nước ngoài, và trong quá khứ chúng ta đã bỏ qua các ngành công nghiệp quan trọng, bao gồm cả công nghệ sinh học. Dẫn tới bỏ lỡ việc tiếp cận nhiều nguyên liệu như hóa chất và thành phần dược hoạt tính quan trọng".
Những người rành rẽ vụ việc trên cho biết chính dịch Covid-19 khiến chính quyền Mỹ nhận thấy cần mau chóng phát triển một chiến lược công nghiệp rõ ràng và nhất quán.
Sắc lệnh hành pháp bao gồm các phác thảo cách thức Mỹ cần phát triển lực lượng lao động đa dạng, được đào tạo có khả năng sử dụng các quy trình tự nhiên để tạo ra các sản phẩm và vật liệu dựa trên sinh học. Chính quyền của ông Biden có kế hoạch hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất sinh học, mặc dù vẫn chưa rõ ngân sách như thế nào.
Ngoài ra, chính quyền của ông Biden còn dự tính giảm xuất khẩu một số chất bán dẫn và các thiết bị cần thiết để chế tạo chất bán dẫn cho Trung Quốc từ tháng 10-2022. Ông Biden hồi tháng 8 đã ký một đạo luật cung cấp 52,7 tỉ USD cho việc sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, ông Biden ký sắc lệnh thúc đẩy ngành công nghệ sinh học trước khi phát biểu tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống John F. Kennedy ở TP Boston, bang Massachusetts, về cách thức công nghệ sinh học có thể thúc đẩy cuộc chiến chống bệnh ung thư.
Tổng thống Biden hy vọng sẽ đưa nước Mỹ đến gần hơn với mục tiêu mà ông đặt ra vào tháng 2 năm nay là giảm 50% tỉ lệ tử vong do ung thư ở Mỹ trong 25 năm tới và cải thiện đáng kể cuộc sống của đội ngũ y, bác sĩ và những bệnh nhân mắc bệnh ung thư.