Mỹ: Các ngân hàng lớn hỗ trợ nạn nhân cháy rừng ở Los Angeles
JPMorgan Chase và Bank of America (BofA) đang nới lỏng các điều kiện trả nợ vay thế chấp cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng ở Los Angeles.
Các ngân hàng JPMorgan Chase và Bank of America (BofA) đang nới lỏng các điều kiện trả nợ vay thế chấp cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng ở Los Angeles, một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất trong lịch sử thành phố này.
JPMorgan ngày 13/1 cho biết, công ty con Chase Home Lending đang cung cấp chương trình khoanh nợ cho các khách hàng vay thế chấp bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.
BofA cho hay chương trình hỗ trợ của ngân hàng này cũng có khả năng khoanh nợ thế chấp được điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng. Khoanh nợ cho phép người vay tạm dừng trả nợ hoặc trả số tiền thấp hơn trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, Montreal (BMO) cho hay ngân hàng của Canada này cũng đang cung cấp chương trình khoanh nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng.
Chương trình khoanh nợ của JPMorgan ban đầu sẽ kéo dài trong ba tháng và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần ba tháng, tối đa lên đến 12 tháng. Tuy nhiên, vẫn có những lựa chọn để kéo dài thời gian hỗ trợ vượt quá mốc đó dựa trên nhà đầu tư hoặc công ty bảo hiểm.
Người vay thường tìm đến các ngân hàng để nhận được hỗ trợ như vậy nhằm giảm bớt chi phí tái xây dựng. Tuy nhiên, áp lực lợi nhuận từ các khoản vay không được thanh toán cũng có thể khiến các ngân hàng rút lui khỏi các thị trường dễ xảy ra thiên tai.
Bà Laurent Birade, chuyên gia ngân hàng tại Moody's, nhận định rằng vụ cháy rừng ở Los Angeles, cho thấy các tổ chức tài chính cần ưu tiên quản lý rủi ro khí hậu.
Theo bà, các ngân hàng cho vay nhiều ở những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cần phải hiểu rõ, xác định, đo lường và quản lý rủi ro, để có thể hoạt động an toàn và bền vững trước biến đổi khí hậu.
Cùng ngày, một phát ngôn viên của Wells Fargo cho biết, ngân hàng này đã cam kết trích 1,3 triệu USD từ quỹ của mình để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ cháy rừng trước mắt và lâu dài.
Tính đến ngày 12/1, các đám cháy ở Los Angeles đã thiêu rụi 12.300 công trình, buộc hơn 100.000 người vẫn phải sơ tán khỏi nhiều khu vực thảm họa với tổng diện tích khoảng 161,9 km².
Ít nhất 24 người đã thiệt mạng do các vụ cháy này. Các lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực chiến đấu với “giặc lửa.” Tuy nhiên, dự báo gió sẽ mạnh lên từ nay đến tối 15/1, khiến công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn hơn.
Chưa có con số chính thức nào về thiệt hại được công bố, nhưng các nhà phân tích của AccuWeather ước tính tổn thất kinh tế từ các vụ cháy rừng tại bang California có thể dao động 135-150 tỷ USD, thấp hơn mức thiệt hại 250 tỷ USD liên quan đến cơn bão Helene năm 2024.
Ở diễn biến khác, vào cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chi phí tái thiết sau các vụ cháy rừng thiêu rụi nhiều khu vực ở thành phố Los Angeles trong tuần qua sẽ lên đến hàng chục tỷ USD.
Phát biểu tại một cuộc họp báo với các quan chức phụ trách ứng phó khẩn cấp, Tổng thống Biden cảnh báo: "Sẽ mất hàng chục tỷ USD để tái thiết Los Angeles trở về nguyên trạng."
Trong khi đó, thành phố lớn nhất bang California đang chuẩn bị đối phó với sự trở lại của những cơn gió dữ dội có khả năng thổi bùng lại ngọn lửa vốn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 24 người.
Cùng ngày 13/1, thêm nhiều xe bồn chở nước và hàng chục lính cứu hỏa đã được điều động đến Los Angeles để đối phó với đợt gió mạnh dự báo sẽ quay lại, đe dọa làm gián đoạn tiến độ dập lửa.
Các máy bay đã rải hóa chất chống cháy lên các khu dân cư và sườn đồi, trong khi các đội cứu hỏa và xe cứu hỏa được bố trí gần những khu vực dễ bị tổn thương. Hàng chục xe chở nước cũng đã được triển khai để bổ sung nguồn nước chữa cháy.
Thị trưởng Los Angeles Karen Bass và các quan chức khác cho biết thành phố đã sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa mới nhờ sự hỗ trợ của lính cứu hỏa từ khắp nơi ở Mỹ, cũng như từ Canada và Mexico.
Trong vòng chưa đầy một tuần, 4 đám cháy lớn ở thành phố lớn thứ hai của Mỹ đã thiêu rụi hơn 160 km2, gấp khoảng 3 lần diện tích của Manhattan. Hiện đám cháy Eaton gần Pasadena đã được khống chế khoảng 30%, trong khi đám cháy lớn nhất ở Pacific Palisades trên bờ biển vẫn chưa được kiểm soát.
Công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang diễn ra. Cảnh sát trưởng Hạt Los Angeles Robert Luna cho biết số người thiệt mạng có khả năng sẽ tăng lên do hiện còn ít nhất 20 người mất tích.
Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cảnh báo thời tiết sẽ "đặc biệt nguy hiểm" trong ngày 14/1 khi gió giật có thể đạt tới 105 km/giờ. Một vùng rộng lớn phía Nam California xung quanh Los Angeles đang trong tình trạng cảnh báo nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng đến hết ngày 15/1, bao gồm các khu vực Thousand Oaks, Northridge và Simi Valley./.