Mỹ cam kết tăng cường vai trò tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Xét tổng quan chiến lược mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ tiếp tục củng cố vị thế và cam kết của mình tại khu vực này trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế.

Kyodo News đưa tin, ngày 11-2, Nhà Trắng đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mới nhằm giữ vững và thúc đẩy sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực. “Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ quyết tâm tăng cường vị thế dài hạn và những cam kết của chúng tôi đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Washington sẽ chú trọng mọi ngóc ngách của khu vực, từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á, từ Nam Á tới châu Đại Dương, bao gồm các hòn đảo tại Thái Bình Dương”, tài liệu dài 12 trang này nêu rõ.

Trong số những hành động dự kiến được tiến hành trong khoảng từ 12 đến 24 tháng tới tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ cho biết sẽ củng cố khả năng răn đe trước những động thái gây hấn quân sự nhằm vào nước này cũng như các đồng minh và đối tác, đồng thời tăng cường cả hiện diện ngoại giao và quân sự, cũng như hỗ trợ an ninh và hợp tác với các nước trong khu vực.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, Washington cũng tăng cường liên minh với 5 nước đồng minh hiệp ước trong khu vực là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; củng cố quan hệ với các đối tác khu vực quan trọng khác nhằm xây dựng “năng lực tập thể”.

Ngoài ra, chiến lược còn đề cao mối quan hệ giữa các nước thành viên trong Nhóm “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), coi đây là một nhóm khu vực hàng đầu để giải quyết các vấn đề quan trọng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như ứng phó với đại dịch Covid-19 và hợp tác về chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, tài liệu trên cũng nhắc lại kế hoạch khởi động Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) vào đầu năm 2022 của Mỹ. IPEF là sáng kiến của Mỹ với hy vọng sẽ bù đắp một phần sự vắng mặt của Washington tại các hiệp định thương mại tự do khu vực, nhất là kể từ khi nước này rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà nay được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Dẫn phân tích của chuyên gia Riley Waters tại Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ), Kyodo News cho rằng, chiến lược mới của Mỹ đã đề cao các cách thức hợp tác song phương và đa phương để đối phó những thách thức tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dẫu vậy, ông Waters kỳ vọng Mỹ sẽ làm rõ hơn về IPEF bởi thời gian qua, chiến lược của nước này tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được cho là thiếu trụ cột hợp tác về kinh tế.

Như vậy, ông Biden là “ông chủ” Nhà Trắng thứ ba liên tiếp trong những thập kỷ gần đây, sau hai người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump, đưa ra các cam kết ưu tiên của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được xem như một phần trong nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của khu vực này đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.

Mặt khác, nó cũng thể hiện sự tập trung liên tục của Washington vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngay cả khi nước này dường như đang hướng về châu Âu, nhất là liên quan đến tình hình Ukraine hay căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Việc công bố tài liệu chiến lược này cũng diễn ra đúng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du nhiều nước Thái Bình Dương, tham dự cuộc họp Nhóm “Bộ tứ” và gặp gỡ các nhà ngoại giao trong khu vực.

Tuy nhiên, theo The Washington Post, các quan chức cấp cao Nhà Trắng nhấn mạnh rằng việc Mỹ mở rộng hiện diện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Biden là điều mà những quốc gia ở khu vực này mong muốn.

Văn Hiếu / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/my-cam-ket-tang-cuong-vai-tro-tai-an-do-duong-thai-binh-duong-55103.html