Mỹ cấm phần mềm diệt virus Kaspersky vì quan hệ với Nga, lo ngại về an ninh quốc gia
Kaspersky cho biết họ không đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ và sẽ theo đuổi các lựa chọn pháp lý để duy trì hoạt động của mình.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hôm 21/6 đã cấm công ty an ninh mạng Kaspersky có trụ sở tại Nga cung cấp các sản phẩm diệt virus nổi tiếng của họ tại Mỹ vì lo ngại về an ninh quốc gia.
Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố: “Kaspersky nói chung sẽ không thể bán phần mềm của mình tại Hoa Kỳ hoặc cung cấp các bản cập nhật cho phần mềm đã được sử dụng, cùng với các hoạt động khác”.
Thông báo này được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài cho thấy “các hoạt động của Kaspersky tại Mỹ gây ra rủi ro an ninh quốc gia bởi nguy cơ tấn công mạng của Chính phủ Nga và khả năng gây ảnh hưởng hoặc chỉ đạo các hoạt động của Kaspersky”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết “Nga đã nhiều lần chứng tỏ rằng họ có khả năng và ý định khai thác các công ty Nga, như Kaspersky Lab, để thu thập và vũ khí hóa thông tin nhạy cảm của Mỹ”.
Kaspersky trong một tuyên bố cho biết Bộ Thương mại “đã đưa ra quyết định dựa trên môi trường địa chính trị hiện tại và những lo ngại về mặt lý thuyết”, đồng thời tuyên bố sẽ “theo đuổi tất cả các lựa chọn hợp pháp có sẵn để duy trì các hoạt động và mối quan hệ hiện tại của mình”.
“Kaspersky không tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ và trên thực tế, đã có những đóng góp đáng kể trong việc báo cáo và bảo vệ mình khỏi nhiều tác nhân đe dọa nhắm vào lợi ích và đồng minh của Mỹ”, công ty cho biết.
Động thái này là hành động đầu tiên được thực hiện kể từ khi lệnh hành pháp được ban hành dưới thời Tổng thống Donald Trump trao cho Bộ Thương mại quyền điều tra xem liệu một số công ty có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết hành động của Bộ Thương mại đã chứng minh cho các đối thủ của Mỹ thấy rằng họ sẽ không ngần ngại hành động khi “công nghệ của những công ty này gây rủi ro cho Mỹ và công dân của nước này”.
Bộ Thương mại cho biết, Kaspersky có trụ sở chính tại Moscow nhưng lại có văn phòng tại 31 quốc gia trên thế giới, phục vụ hơn 400 triệu người dùng và 270.000 khách hàng doanh nghiệp tại hơn 200 quốc gia.
Cùng với việc cấm bán phần mềm diệt vi-rút của Kaspersky, Bộ Thương mại cũng bổ sung ba thực thể có liên quan đến công ty này vào danh sách các công ty được coi là mối lo ngại về an ninh quốc gia, “vì sự hợp tác của họ với các cơ quan quân sự và tình báo Nga để hỗ trợ chính phủ Nga”.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ “đặc biệt khuyến khích” người dùng chuyển sang nhà cung cấp mới, mặc dù quyết định mới không cấm người dân tạm dừng sử dụng phần mềm từ Kaspersky.
Theo đó, Kaspersky vẫn được phép tiếp tục một số hoạt động nhất định tại Mỹ, bao gồm cả việc cung cấp các bản cập nhật diệt vi-rút, cho đến hết ngày 29 tháng 9 năm nay, “để giảm thiểu sự gián đoạn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời cho họ thời gian để tìm các giải pháp thay thế phù hợp”, Bộ Thương mại Mỹ chia sẻ.