Mỹ cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia
Quyết định cuối cùng về lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào việc Riyadh có đang đạt tiến bộ trong việc chấm dứt xung đột vũ trang ở nước láng giềng Yemen hay không.
Tháng 2/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ngừng hỗ trợ cho các hoạt động tấn công của Saudi Arabia ở Yemen, bao gồm việc bán vũ khí có liên quan cho Riyadh.
Dẫn các nguồn tin giấu tên, hãng tin Reuters cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm trên đối với Saudi Arabia. Các nguồn tin nói thêm quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc Riyadh có đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt xung đột vũ trang ở nước láng giềng Yemen hay không.
Tuy nhiên, các nguồn tin khẳng định những cuộc thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm trong nội bộ chính quyền Mỹ là không chính thức và vẫn ở giai đoạn đầu.
Một số cố vấn quốc hội Mỹ giấu tên cho rằng bất kỳ động thái nào nhằm loại bỏ các hạn chế vũ khí đối với Saudi Arabia rất có thể sẽ vấp phải sự phản đối trong Quốc hội, bao gồm nghị sĩ của lưỡng đảng.
Kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ ngày càng căng thẳng, rạn nứt nhiều hơn sau khi Nhà Trắng tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ không còn hỗ trợ hoạt động quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen chống lại lực lượng Houthi và sẽ cắt giảm số lượng vũ khí bán cho nước này, bao gồm bom, đạn dẫn đường chính xác (PGM).
Tuy nhiên, hồi tháng trước, các quan chức Mỹ cấp cao đã nói với các đối tác Saudi Arabia rằng Mỹ sẵn sàng thiết lập lại mối quan hệ song phương và bước tiếp để hàn gắn quan hệ với đồng minh Trung Đông quan trọng sau những căng thẳng liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của báo Washington Post năm 2018.
Năm 2021, báo cáo của tình báo Mỹ chỉ ra Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman chính là người phê duyệt một hoạt động bắt giữ hoặc giết nhà báo Khashoggi. Ban đầu, Riyadh phủ nhận bất kỳ thông tin nào về cái chết của nhà báo Khashoggi nhưng cuối cùng thừa nhận ông đã bị giết bên trong tòa nhà của cơ quan ngoại giao nước này. Chính phủ Saudi Arabia đã kết án một số người được cho là tham gia sát hại Khashoggi song liên tục bác bỏ cáo buộc các thành viên hoàng gia có liên quan đến vụ việc.
Kể từ tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu, hợp tác với lực lượng của cựu Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi, đã tiến hành các hoạt động trên không, trên bộ và trên biển nhằm vào lực lượng phong trào Houthis. Cuộc xung đột kéo dài đã khiến hơn 300.000 người thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở nước này.