Mỹ cân nhắc gói cứu trợ mới
Theo Reuters và TTXVN, ngày 11-5, giới chức Mỹ cho biết Nhà trắng đã bắt đầu các cuộc thảo luận không chính thức với Quốc hội về một gói cứu trợ mới để giảm tác động của đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Tài chính S.Mnuchin cho rằng quá trình này sẽ mất vài tuần. Kể từ đầu tháng 3, Quốc hội Mỹ đã thông qua các gói ngân sách trị giá 3.000 tỷ USD chống dịch.
* Theo số liệu của cơ quan y tế Canada, tổng số người chết do dịch trong nước đã lên tới gần 4.900 người với gần 69 nghìn ca mắc. Thủ tướng J.Trudeau cảnh báo, nếu các tỉnh bang mở cửa quá nhanh, nguy cơ xảy ra một đợt bùng phát dịch thứ hai có thể khiến Canada lại tiếp tục rơi vào tình trạng phong tỏa trong mùa hè này.
* Bộ Y tế Mexico nhận định nước này đã bước vào giai đoạn đỉnh dịch và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng ba tuần. Cơ quan y tế cảnh báo số ca bệnh và số người chết sẽ tăng mạnh trong những ngày tới, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng bệnh.
* Chính phủ Chile hoãn kế hoạch cấp “hộ chiếu sức khỏe” cho những người được xác định đã bình phục sau khi mắc Covid-19. Chính phủ dự đoán dịch tại Chile sẽ đạt đỉnh trong tháng này, do đó đã kéo dài các biện pháp phong tỏa thêm ít nhất một tuần tại thủ đô.
* Tình hình dịch Covid-19 ở châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp khi tổng số ca nhiễm ở Nam Phi đã hơn 10.000 người, trong khi số ca nhiễm ở Ai Cập, Morocco và Algeri cũng tăng mạnh. Đáng chú ý, Ghana phát hiện một trường hợp siêu lây nhiễm trong cộng đồng, lây cho 533 người khác. Tổng thống Ghana đã quyết định gia hạn lệnh cấm tụ tập nơi đông người đến cuối tháng này, đồng thời tiếp tục đóng cửa các trường học.
* Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) ước tính việc các nước châu Phi áp dụng lệnh phong tỏa đang khiến châu lục này mất 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi tháng, tương đương 65,7 tỷ USD. Hiện ít nhất 42 trong số 54 quốc gia châu Phi áp dụng lệnh phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau.
* Từ hôm nay (12-5), Ấn Độ bắt đầu khôi phục mạng lưới đường sắt sau khi ngành đường sắt tạm ngừng hoạt động từ ngày 25-3 do dịch. Quy định bắt buộc đối với hành khách là phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt tại ga khởi hành.
* Trong khi đó, Cam-pu-chia đang rất thận trọng với quyết định mở cửa lại trường học. Bộ Giáo dục khẳng định các trường học chỉ được mở cửa trở lại chừng nào Cam-pu-chia và các nước trong khu vực đã kiểm soát được dịch.
* Chính phủ Thái-lan sẽ sớm cho ra mắt một ứng dụng truy dấu tiếp xúc nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch trong bối cảnh Thái-lan đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Giai đoạn hai của tiến trình nới lỏng phong tỏa dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17-5 nếu số ca mắc mới không tăng. Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5.
* Bộ Tài chính A-rập Xê-út ngày 11-5 đã công bố một số biện pháp kinh tế nhằm tăng thu, giảm chi cho ngân sách. Theo đó, A-rập Xê-út sẽ tăng gấp ba lần thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 5% lên 15% từ ngày 1-7. Năm nay, A-rập Xê-út có thể phải vay gần 60 tỷ USD để bù đắp thâm hụt ngân sách khổng lồ.
* Tính tới ngày 11-5, Indonesia ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm và gần 1.000 người chết do Covid-19. Nhà chức trách dự kiến số ca nhiễm mới sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 5 và giảm dần vào tháng tiếp theo, nếu như ngăn chặn thành công đợt nhiễm bệnh thứ hai. Hạ viện Indonesia yêu cầu các trường học bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường vào tháng 7-2020.
* Thủ tướng Nhật Bản S.Abe cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng lập ngân sách bổ sung thứ hai nhằm giảm tác động của đại dịch, để kịp đưa ra Quốc hội thông qua trong kỳ họp hiện tại dự kiến kết thúc ngày 17-6 tới. Quy mô của ngân sách này sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế các tỉnh khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
* Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân để khắc phục hậu quả do dịch. Hàn Quốc cảnh báo làn sóng thứ hai của đại dịch có thể bùng phát vào cuối năm nay, khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Tính tới ngày 11-5, năm ngày sau khi gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 35 ca nhiễm mới.
* Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) cho biết, ít nhất 11 ca nhiễm mới được ghi nhận cuối tuần qua tại thành phố Thư Lan đã khiến tỉnh Cát Lâm phải ban bố lệnh phong tỏa toàn thành phố này. Trung Quốc đại lục đang trong quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục cuộc sống hằng ngày của người dân và hoạt động kinh tế trên cả nước.
* Bộ Tài chính Israel đồng ý bảo đảm cho vay tới 80% số tiền trị giá 400 triệu USD để giải cứu Hãng hàng không El Al. Để nhận được khoản vay bảo đảm này, El Al sẽ phải cắt giảm chi phí ở mức 50 triệu USD.
* Tại Iran, chính quyền đã áp đặt lệnh phong tỏa tại huyện A-ba-đan nhằm ngăn ngừa dịch lây lan. Iran là một trong những quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch, đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế để hỗ trợ nền kinh tế. Tổng thống H.Rouhani tuyên bố sẽ mở cửa lại các trường học vào tuần này.
* 21.000 người làm việc tại các trường đại học của Australia sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp trong vòng sáu tháng tới, nếu sinh viên quốc tế không sớm đi học trở lại. Thủ tướng S.Morrison cho biết sẽ xem xét việc cho phép sinh viên quốc tế quay trở lại Australia vào tháng 7 tới.
* Sau bảy tuần áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội nghiêm ngặt, ngày 11-5, Thủ tướng Niu Di-lân G.A-đơn tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế từ mức ba xuống mức hai. Từ ngày 18-5, các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ sẽ mở cửa lại. Chính phủ Niu Di-lân sẽ xem xét lại quyết định nới lỏng các biện pháp nêu trên sau hai tuần nữa.
* Các doanh nghiệp bán lẻ của Anh đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Anh cảnh báo gói cứu trợ giúp các công ty giảm thiệt hại do đại dịch sẽ không đủ để ngăn chặn sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp. Bức thư kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Anh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đối thoại với đại diện các doanh nghiệp để tìm giải pháp giảm tới mức thấp nhất thiệt hại kinh tế và nguy cơ mất việc làm trên quy mô lớn.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44434202-my-can-nhac-goi-cuu-tro-moi.html