Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương Phil Davidson cho biết, ban lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương đang nghiên cứu những ưu và nhược điểm của việc đưa Hạm đội 1 trở lại. Kế hoạch này từng được đưa ra bàn bạc giữa các tư lệnh hải quân từ hồi tháng 11-2020.
Vị trí triển khai của Hạm đội 1 được ngắm đến là giữa khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây được cho là vị trí thích hợp để phản ứng với bất kì cuộc xung đột nào nổ ra trong khu vực và có thể san sẻ được gánh nặng với Hạm đội 7.
Hạm đội 7, có trụ sở tại Nhật Bản, là hạm đội có phạm vi hoạt động rộng nhất và duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nó bao phủ một khu vực rộng lớn, trải dài từ Ấn Độ xuống Nam Cực và qua Nhật Bản đến quần đảo Kuril.
Hạm đội 7 có đội tàu từ 50 đến 70 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, tuy nhiên, lực lượng này lại phải đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn, nhất là vào thời điểm Trung Quốc tăng cường sức mạnh trong khu vực.
Hạm đội 1 được thành lập vào năm 1946, thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương và thực hiện nhiệm vụ chủ yếu tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hạm đội này đã giải tán vào năm 1973
Nếu Hạm đội 1 được hồi sinh, Singapore hoặc Australia có thể là các lựa chọn tốt để đặt trụ sở. Tuy nhiên, cũng có khả năng Hạm đội 1 sẽ không đóng quân tại một địa điểm cố định nào mà thay vào đó sẽ là một bộ chỉ huy trên biển linh hoạt và cơ động.
Theo nhiều chuyên gia, một hạm đội hải quân trong khu vực Ấn Độ và Nam Á sẽ trấn an các đồng minh của Mỹ, đồng thời răn đe các đối thủ như hải quân Trung Quốc.
Đây cũng không phải là thay đổi tổ chức duy nhất của hải quân Mỹ nhằm đối mặt với những mối đe dọa mới trên biển. Mỹ cũng có kế hoạch đổi tên Bộ Tư lệnh Hạm đội 2 thành Hạm đội Đại Tây Dương, nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Nga.
Đặng Vũ