Mỹ, Canada điêu đứng vì 'giặc lửa'
Các trận cháy rừng hoành hành ở khắp khu vực miền tây Mỹ và Canada đã tạo ra lượng khói và bồ hóng khổng lồ, bị gió cuốn về phía đông và gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Theo Trung tâm Cứu hỏa liên ngành quốc gia Mỹ (NIFC) ở Boise, Idaho, tại 13 bang miền tây, hơn 80 vụ cháy rừng lớn đang tiếp diễn, thiêu rụi hơn nửa triệu hécta thảm thực vật khô hạn trong những tuần gần đây, tàn phá một khu vực có diện tích lớn hơn toàn bang Delaware.
Thêm hàng trăm đám cháy khác bùng phát ở miền tây và miền trung Canada. Chúng bao gồm cả 86 đám cháy được phân loại là mất kiểm soát hôm 20/7 chỉ ở riêng vùng British Columbia, khiến nhà chức trách địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Reuters đưa tin, gió xoáy và các luồng không khí xuyên lục địa khác đã mang theo khói và bụi đi xa hàng nghìn kilômét. Người dân ở các thành phố cách xa nơi cháy rừng cũng cảm thấy bầu không khí ô nhiễm đang tác động tiêu cực đến mắt, mũi và lá phổi của họ.
Tại thành phố New York (Mỹ), nơi một lớp khói xám bao phủ đường chân trời của Manhattan, chỉ số chất lượng không khí (AQI) về hạt mịn lên tới 170, mức được coi là có hại ngay cả đối với những người khỏe mạnh và cao hơn 9 lần so với khuyến nghị về giới hạn phơi nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). AQI tại Philadelphia còn cao hơn, đạt 172.
Các thành phố đông bắc khác của Mỹ, bao gồm Boston và Hartford, bang Connecticut, các chỉ số ở những vùng bị ảnh hưởng vào khoảng trên 150. Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang ngoài trời để hạn chế tiếp xúc với tác nhân ô nhiễm.
Các chuyên gia khí tượng dự báo, cháy rừng ở các khu vực Manitoba và Ontario của Canada cũng tạo ra khói bụi lan truyền ở Mỹ, nhiều khả năng đẩy AQI tại Detroit và Cleveland lên 125, mức có hại cho những người dễ bị dị ứng. Khói từ các đám cháy rừng ở những tỉnh miền tây Canada cũng lan xa về phía đông tới tận Ontario, buộc các quan chức phải phát đi hàng loạt cảnh báo về chất lượng không khí.
Một nghiên cứu vừa công bố của Đại học Alberta phát hiện, tiếp xúc nhiều với khói cháy rừng có liên quan đến các hậu quả lâu dài về hô hấp đối với lính cứu hỏa, bao gồm cả nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn tăng cao. Cố vấn về chất lượng không khí liên bang Margaret Key khuyến cáo, người dân nói chung cũng chịu tác động bất lợi về sức khỏe, đối mặt với nguy cơ tăng mắc các bệnh hô hấp, kể cả Covid-19, tăng tính nghiêm trọng của bệnh và khiến bệnh nhân khó phục hồi hơn.
Dù các cơ quan chức trách Mỹ chưa công bố ước tính thiệt hại vì giặc lửa, nhưng hàng nghìn người sống tại các khu vực ảnh hưởng đã phải đi sơ tán, hàng chục ngôi nhà bị thiêu rụi. Các chuyên gia dự báo, cháy rừng năm nay tại xứ sở cờ hoa có thể nghiêm trọng hơn năm ngoái, vốn đã gây tổn thất tới gần 20 tỷ USD cho nước này.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/my-canada-dieu-dung-vi-giac-lua-758050.html