Mỹ, Canada và Anh áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới đối với quân đội Myanmar
Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt thêm biện pháp trừng phạt phối hợp đối với các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar và các thực thể có liên quan. Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp trừng phạt kể từ khi quân đội nắm chính quyền trong một cuộc đảo chính hồi tháng Hai.
Binh lính Myanmar đi dọc một con phố trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar, vào ngày 28 tháng 2 năm 2021 - Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Hoa hậu Myanmar không dám về nước sau Miss Universe 2020
Quân đội Myanmar giao tranh với phiến quân khi bạo lực gia tăng
Nhà báo Nhật Bản được Myanmar trả tự do
Hôm thứ Hai (17/5), Mỹ cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) và 13 quan chức, đóng băng bất kỳ tài sản nào ở Mỹ của họ và cấm người Mỹ giao dịch với họ.
Canada cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các cá nhân và thực thể có liên quan đến lực lượng vũ trang Myanmar, trong khi Vương quốc Anh công bố các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp nhà nước Myanmar Gems Enterprise, đã có trong các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ.
“Hành động của chúng tôi hôm nay nhấn mạnh quyết tâm của chúng tôi và của các đối tác trong việc gây áp lực chính trị và tài chính lên chế độ miễn là nó không ngăn chặn được bạo lực và có hành động có ý nghĩa để tôn trọng ý chí của người dân”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố.
“Canada sát cánh với người dân Myanmar khi họ tiếp tục đấu tranh để khôi phục dân chủ và tự do ở đất nước của họ và chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động thêm nữa”, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cũng cho biết trong một tuyên bố.
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã tiếp tục diễn ra kể từ khi quân đội Myanmar nắm chính quyền trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, bắt giữ và phế truất nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.
Theo một nhóm giám sát địa phương, ít nhất 796 người đã bị lực lượng an ninh giết chết kể từ sau cuộc đảo chính, trong khi gần 4.000 người đang bị giam giữ.
Mỹ và các nước phương Tây khác đã đều đặn bổ sung các thành viên lãnh đạo của chế độ quân sự, cũng như các doanh nghiệp nhà nước tài trợ cho chế độ này vào danh sách trừng phạt của họ nhằm nỗ lực gây áp lực buộc quân đội quay trở lại chế độ dân chủ.
Tuy nhiên, tình hình bất ổn vẫn tiếp diễn, với các vụ đánh bom được báo cáo hàng ngày, dân quân địa phương được thành lập để đối đầu với quân đội, và các cuộc biểu tình cũng như đình công của những người phản đối cuộc đảo chính đang diễn ra trên khắp đất nước Đông Nam Á.
Hôm Chủ nhật (16/5), sáu phiến quân đối lập đã bị quân đội tiêu diệt sau nhiều ngày đối đầu, một lực lượng phòng thủ chống đảo chính gồm dân thường cho biết.
Ở phía tây bang Chin, thị trấn Mindat đã nổi lên như một điểm nóng về bất ổn, nơi một số cư dân đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Chinland (CDF).
“Sáu thành viên của CDF của chúng tôi, những người đã cố gắng bảo vệ an ninh của người dân ở Mindat đã tấn công [quân đội] và hy sinh mạng sống của họ cho cuộc cách mạng quốc gia”, CDF cho biết trong một tuyên bố.