Mỹ càng trừng phạt, Nga càng tập trận với Trung Quốc
Trung Quốc không vượt lằn ranh đỏ của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine nhưng điều đó không ngăn Bắc Kinh tiến gần hơn Moscow.
Bloomberg cho hay Trung Quốc và Nga đã tiến hành 6 cuộc tập trận quân sự chung trong năm 2022, nhiều nhất theo dữ liệu trong hai thập kỷ trở lại đây. Bốn trong số đó là song phương, trong khi hai cuộc còn lại có thêm sự tham gia của các đối thủ của Mỹ là Iran và Syria.
Con số này chiếm 2/3 tổng số cuộc tập trận của Trung Quốc với quân đội nước ngoài vào ngoái, theo dữ liệu tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc Trường ĐH Quốc phòng Quốc gia Mỹ.
Dữ liệu cho thấy 5 cuộc tập trận diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hồi cuối tháng 2-2022.
Nga và Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 36 cuộc tập trận chung sau khi Moscow đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea, so với chỉ 10 cuộc trong thập kỷ trước năm 2014.
"Trung Quốc có mọi lý do để duy trì và tăng cường liên kết chiến lược với Nga" – Tiến sĩ Alexander Korolev, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế tại Trường ĐH New South Wales ở Úc, nhận định - "Đó là cách hiệu quả nhất để đối trọng với sức mạnh của Mỹ".
Vì sao Trung – Nga ngày càng xích lại gần nhau?
Các nhà phân tích cho biết có nhiều lý do khiến Trung Quốc và Nga ngày càng xích lại gần nhau.
Lý do đó bao gồm vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), sự mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, mối quan ngại của Trung Quốc về việc mở rộng NATO, khối quân sự do Mỹ dẫn dắt.
Đồng thời, Trung Quốc đã đóng băng đối thoại quân sự cấp cao với Mỹ sau khi Washington áp lệnh trừng phạt với Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) vì mua vũ khí Nga năm 2018. Mỹ và Trung Quốc đã không tổ chức các cuộc tập trận chung, cả những cuộc diễn tập liên quan đến ứng phó thảm họa, kể từ năm 2020.
Mỹ cũng đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và đặc biệt là kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine vào đầu năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã từ chối lên án Nga, quốc gia châu Á thậm chí còn nhập khẩu nhiều hàng hóa giá rẻ từ đối tác châu Âu. Chuyến công du nước ngoài duy nhất của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2023 là tới Nga hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.
Tiến sĩ Alexander Korolev cho biết vào năm 2019, Nga tuyên bố giúp Trung Quốc xây dựng một hệ thống cảnh báo các vụ phóng tên lửa đạn đạo – điều "chưa từng có tiền lệ" và nó báo hiệu một mức độ hợp tác quốc phòng mới giữa đôi bên. Những hệ thống như vậy yêu cầu cả radar trên mặt đất cũng như vệ tinh không gian.
Thông điệp chính trị Trung – Nga
Các cuộc tập trận giữa Nga và Trung Quốc nhìn chung có quy mô nhỏ hơn so với các cuộc tập trận giữa Mỹ và các đồng minh. Mỹ và Philippines gần đây đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay với hơn 17.000 binh sĩ.
"Các cuộc tập trận của Trung Quốc với Nga thường mang ý nghĩa chính trị" – Bloomberg dẫn nhận định của các chuyên gia.
Ví dụ cho nhận đình này là các cuộc tập trận hàng năm của họ xung quanh Nhật Bản, bao gồm lần đầu tiên tuần tra chung bằng máy bay ném bom tầm xa ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm 2019. Nhật Bản điều máy bay đáp trả, trong khi Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận đi vào vùng nhận dạng phòng không của nước này - cả Tokyo và Seoul đều là đối tác an ninh quan trọng của Mỹ.
Trung Quốc hôm 15-7 cho biết Nga sẽ sớm cử lực lượng hải quân và không quân tham gia cuộc tập trận chung thường niên diễn ra xung quanh biển Nhật Bản.
Trung Quốc nhấn mạnh cuộc tập trận nhằm tăng cường sự phối hợp chiến lược giữa quân đội hai nước, cũng như khả năng duy trì hòa bình và ổn định khu vực và đối phó với các thách thức an ninh khác nhau.
"Các cuộc tập trận Trung – Nga sẽ diễn ra thường xuyên hơn, mang tính chính trị nhiều hơn" – ông Andrew Taffer, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc Trường ĐH Quốc phòng Quốc gia Mỹ, nhận định.