Diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ giữa Matxcơva và Washington đã dẫn đến việc quân đội Mỹ đưa ra lời đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm xóa sổ hạm đội Biển Đen của hải quân Nga.
"Không quân Mỹ cho biết, các máy bay ném bom B-1B Lancer có mặt tại khu vực Biển Đen tuần trước vừa tiến hành cuộc thử nghiệm đối với tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C, hay còn được gọi bằng cái tên LRASM".
"Trong nhiệm vụ huấn luyện này, kíp chiến đấu tập trung vào vai trò tương lai của máy bay ném bom B-1B Lancer trong việc chống lại các mối đe dọa trên biển".
"Việc làm trên cho thấy mối quan tâm về các tình huống không lường trước ở châu Âu và Biển Đen, nơi dự báo phát sinh sẽ vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với hạm đội Nga. Thông báo về cuộc thử nghiệm tên lửa chống hạm trong nhiệm vụ của nhóm oanh tạc cơ B-1B rõ ràng nhằm vào Nga mà cụ thể là hạm đội Biển Đen, bởi khi cần thiết chúng sẽ dễ dàng nhấn chìm nhóm chiến hạm đối phương", tờ The Drive cho biết.
Tên lửa hành trình chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM là một phiên bản sửa đổi từ tên lửa không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM nổi tiếng. LRASM là viết tắt của Long Range Anti Ship Missile (tên lửa chống hạm tầm xa). Dự án này được phát triển nhằm tạo ra loại vũ khí lấp chỗ trống của tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon đã cao tuổi.
Các loại vũ khí chống hạm tiên tiến đã bị Mỹ bỏ quên từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng sự trỗi dậy của hải quân Nga và Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc không thể ngồi yên.
Quy trình phóng tên lửa AGM-158C như sau, đầu tiên các tàu chiến, máy bay mang đạn sẽ xử lý thông tin từ phương tiện trinh sát, khóa mục tiêu và khai hỏa tên lửa LRASM.
Tên lửa LRASM được trang bị đầu dò đa năng, đường truyền dữ liệu tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận thông tin mục tiêu từ phương tiện phóng, sau đó tiếp tục cập nhật dữ liệu mục tiêu qua kết nối vệ tinh.
Điểm đặc biệt của vũ khí này là nó được tích hợp trí thông minh nhân tạo, khi tiến vào khu vực gần mục tiêu, nơi tín hiệu liên lạc vệ tinh bị gây nhiễu hoặc gián đoạn, tên lửa sẽ bay theo lộ trình được vạch sẵn.
Những cảm biến trên tên lửa sẽ xác định rõ khu vực bị đe dọa bởi vũ khí phòng không của đối phương, sau đó tự điều chỉnh hướng bay để vòng qua địa điểm này.
Khi bước vào giai đoạn công kích, tên lửa LRASM sẽ nhanh chóng hạ độ cao xuống sát mặt biển để tránh bị hệ thống radar trên tàu chiến đối phương phát hiện.
Tiếp đó, hệ thống cảm biến trên tên lửa LRASM sẽ liên tục rà quét các vị trí trang bị vũ khí phòng không trên mục tiêu để gia tăng khả năng sống sót của nó.
Đầu nổ xuyên - phá mảnh nặng 450 kg của LRASM đủ sức tiêu diệt nhiều loại tàu chiến khác nhau. Ước tính chỉ cần 2 quả để đánh chìm 1 khu trục hạm cỡ Sovremenny hoặc tuần dương hạm Slava chủ lực của hải quân Nga.
Ngoài nền tảng phóng từ trên không, tên lửa LRASM sẽ có cả biến thể triển khai từ bệ phóng thẳng đứng Mk 41 trên các khu trục hạm và tuần dương hạm của hải quân Mỹ.
Ở chiều ngược lại, trước hành động từ phía Mỹ, các chuyên gia Nga cho rằng biên giới trên không và trên biển của họ được bảo vệ tốt ngay cả đối với tên lửa hành trình hiện đại nhất.
Matxcơva khẳng định hệ thống phòng không của họ sẽ phát hiện mục tiêu như tên lửa LRASM cách xa hàng trăm km, khiến vũ khí này bị bắn hạ từ xa trước khi gây ra mối đe dọa thực sự đối với tàu chiến Nga.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô