Mỹ 'chậm chân' so với Trung Quốc trong đường đua taxi bay?

EHang Holdings, một công ty hàng không Trung Quốc, đã chở hành khách trên máy bay điện tự động tại Thái Lan vào tuần trước, mở đường cho các chuyến bay thương mại bên ngoài Trung Quốc.

Bắc Kinh đang đẩy nhanh quá trình phê duyệt các thủ tục cho taxi bay không người lái trong khi Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) vẫn đang chậm chân hơn, theo bình luận viên Thomas Black của Bloomberg.

Cụ thể, FAA hồi tháng 10 đã công bố 880 trang quy định về máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện, mà các doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng sử dụng làm taxi bay trong tương lai.

Trong khi đó, Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh hơn trong quá trình phê duyệt thủ tục hành chính khi cơ quan quản lý hàng không của nước này đã cấp chứng nhận một phiên bản không người lái.

Dòng máy bay điện hai chỗ của Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ở nhiều quốc gia. Ảnh: Getty

Dòng máy bay điện hai chỗ của Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ở nhiều quốc gia. Ảnh: Getty

EHang Holdings, một công ty hàng không Trung Quốc, đã chở hành khách trên máy bay điện tự động tại Thái Lan vào tuần trước, mở đường cho các chuyến bay thương mại bên ngoài Trung Quốc. EH216-S, dòng máy bay hai chỗ có phạm vi hoạt động hạn chế, đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ở nhiều quốc gia, bao gồm Costa Rica và Brazil.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ đang loay hoay trong quá trình 5 giai đoạn để cấp chứng nhận các máy bay có phi công trên máy bay. Michael Whitaker, quản trị viên của FAA, cho biết mất 16 tháng để ban hành bộ quy định, trong đó nêu rõ các quy tắc cho hoạt động thương mại và trình độ phi công nhưng không đẩy nhanh quá trình cấp chứng nhận.

Theo Thomas Black, những dòng máy bay này trong tương lai sẽ cần phải chuyển sang thiết kế không có người lái nhằm giảm chi phí xuống mức có thể thu hút được khối lượng lớn, dù là hàng hóa hay hành khách. Nếu không, thị trường này sẽ vẫn là một thị trường ngách. Với tốc độ này, sẽ mất 10 năm hoặc hơn nữa để Mỹ cấp phép hoạt động từ từ xa hoặc tự động. Nhìn chung, Mỹ đang chậm hơn so với Trung Quốc về việc cấp phép bay tự động và sẽ tụt hậu hơn nữa nếu không có động thái thúc đẩy mới.

Tại Trung Quốc, ngành công nghiệp taxi bay tiềm năng nằm trong số những ngành mà chính phủ đã chọn để ưu tiên cung cấp trợ cấp và hỗ trợ pháp lý cho các công ty trong nước. EHang, công ty có cổ phiếu giao dịch tại Mỹ, cho biết máy bay không người lái chở khách cỡ nhỏ của họ ban đầu nhắm vào du lịch và một số chính quyền địa phương, bao gồm cả ở Thâm Quyến và Quảng Châu, sẽ cung cấp trợ cấp cho khách du lịch để tham gia ngắm cảnh.

Tại Mỹ, thị trường không được tạo ra từ trên xuống. Công nghệ và đầu tư chảy từ dưới lên. Đó là lý do tại sao các công ty khởi nghiệp như Joby, Archer và Beta đang nỗ lực chế tạo những chiếc máy bay này và có kế hoạch triển khai ở các thành phố lớn để tránh ùn tắc giao thông. Rào cản chính không phải là tài năng và động lực của các công ty khởi nghiệp này hay việc thiếu vốn, mà nằm ở cơ quan quản lý.

Thật không may, quy trình cấp chứng nhận của FAA không xử lý tốt công nghệ mới và cơ quan này được thiết kế để tránh rủi ro, giữ không phận an toàn. Tuy nhiên, vẫn có những cách đẩy nhanh quá trình cấp chứng nhận mà vẫn đảm bảo an toàn.

Boeing là một ví dụ. FAA đã chủ quan trong trường hợp này, dẫn đến việc cơ quan này chuyển giao công việc chứng nhận cho công ty và sau đó không duy trì cảnh giác về việc tuân thủ. Lời cảnh tỉnh đến với hai vụ tai nạn thương tâm của Boeing liên quan đến máy bay 737 Max và kể từ đó, cơ quan này trở nên cực kỳ thận trọng trong quy trình chứng nhận đối với tất cả các dòng máy bay.

Theo quy trình 5 bước, đầu tiên, nhà sản xuất máy bay phải giành được sự chấp thuận của cơ quan quản lý đối với thiết kế và đây là cơ sở để nộp đơn xin chứng nhận. Sau đó, FAA đặt ra các yêu cầu về an toàn. Giai đoạn thứ ba, được gọi là lập kế hoạch tuân thủ, nêu ra các yêu cầu chi tiết để chứng minh máy bay đáp ứng các yêu cầu an toàn đó. Sau đó là các chuyến bay thử nghiệm để đánh dấu các ô đó trên mọi khía cạnh của máy bay. Tiếp theo là giai đoạn giám sát sau chứng nhận.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang tiến nhanh về phía trước. Tất nhiên, máy bay trực thăng tự động của EHang rất nhỏ và có phạm vi hoạt động nhỏ (khoảng hơn 20km) với giá khoảng 410.000 USD, có thể chở tới 280kg và có dù khẩn cấp. Tất cả các công ty Mỹ đều phải thiết kế máy bay ban đầu với một phi công trên máy bay và dần thiết kế theo hướng không người lái để theo kịp Trung Quốc - quốc gia dự kiến sớm bắt đầu cung cấp máy bay không người lái chở khách ra thị trường.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-cham-chan-so-voi-trung-quoc-trong-duong-dua-taxi-bay.html