Mỹ, châu Âu đột ngột 'xoay trục', châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây khẳng định chuyển chính sách ưu tiên của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Không chỉ Mỹ, quan niệm của châu Âu về khu vực này cũng đã thay đổi.

Cuộc tập trận hải quân Malabar 2020 của Bộ Tứ gồm 4 nước Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản diễn ra ngày 3/11. (Nguồn: Times of India)

Cuộc tập trận hải quân Malabar 2020 của Bộ Tứ gồm 4 nước Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản diễn ra ngày 3/11. (Nguồn: Times of India)

Trọng tâm mới là châu Á-Thái Bình Dương

Mỹ đang cố gắng chuyển trọng tâm ra khỏi Trung Đông, nơi thu hút sự chú ý của Washington trong hơn 20 năm qua, để tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương, tạp chí Politico dẫn lời cố vấn quốc phòng thân cận với Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.

“Chính sách Trung Quốc” mà tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện được nhìn nhận là vấn đề thu hút sự quan tâm nhất.

Tuyên bố được giới chức Mỹ khẳng định những tuần gần đây là chỉ dấu nghiêm túc về chính sách mà ông Joe Biden sẽ thực hiện với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và với Trung Quốc nói riêng.

Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra những tuyên bố rõ ràng về Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối thủ lớn nhất của Washington trên lĩnh vực quân sự, kinh tế và địa chính trị.

Ngoài ra, trong chuyến thăm Bộ Quốc phòng hồi giữa tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố thành lập đơn vị “Lực lượng đặc trách Trung Quốc”, chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, cho rằng cường quốc số 1 thế giới cần cải thiện quan hệ với các đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương để có thể có đối sách hiệu quả hơn với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã bổ nhiệm ông Kurt Campbell, chuyên gia châu Á, đồng thời là thành viên Hội đồng An ninh quốc gia nước này, làm điều phối viên châu Á.

Theo ông Campbell, Mỹ nên khuyến khích các quan hệ đối tác quân sự và tình báo mới với các quốc gia trong khu vực, đồng thời làm sâu sắc hơn những mối quan hệ mà Washington đã đóng vai trò quan trọng.

Theo nhận định của Nikkei Asia, mặc dù các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để duy trì quyền tự chủ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng họ nhận thấy, việc loại trừ Bắc Kinh khỏi tương lai sôi động của châu Á là không thiết thực và cũng không có lợi.

Các quốc gia trong khu vực cũng không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa hai siêu cường. Giải pháp tốt hơn sẽ là Mỹ và Trung Quốc cùng nhận ra những lợi ích tại một khu vực cạnh tranh nhưng hòa bình.

Châu Âu hướng tới "đa cực"

Theo tờ Nikkei Asia, châu Âu vẫn có những lợi ích kinh tế đáng kể ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và EU đạt 480 tỷ EUR (582 tỷ USD), trong khi năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của EU tại 10 quốc gia ASEAN đạt 337 tỷ EUR (403 tỷ USD) - nhiều hơn bất kỳ nhà đầu tư nào khác. Khoảng 8-12% khối lượng thương mại của Anh, Pháp và Đức được vận chuyển qua vùng Biển Đông.

Khác với Mỹ, nhìn chung, chiến lược của châu Âu đều ẩn chứa những điều khoản trung lập nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Các nhà ngoại giao cấp cao châu Âu nhấn mạnh không ủng hộ bên nào trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Christophe Penot, Đại sứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp cho biết, điều quan trọng là phải tạo cơ hội phát triển một khu vực đa cực.

Chỉ trong khoảng hơn 1 năm qua, các nước châu Âu đã thay đổi quan điểm về tầm quan trọng của sự can dự tích cực vào châu Á.

Bà Eva Pejsova, chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Tự do Brussels, đồng thời là cố vấn của cơ quan ngoại giao của EU nhận định, biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy "lục địa già" quay trở lại quan tâm đến khu vực là việc triển khai các khí tài quân sự.

Chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận cho tàu ngầm đi qua Biển Đông, ngày 18/2, hai tàu chiến Pháp đã ra khơi trực chỉ châu Á trong một chiến dịch kéo dài 5 tháng.

Nhiều khả năng những tàu này sẽ đi ngang Biển Đông, ghé thăm nhiều cảng ở Đông Nam Á và đặc biệt là tham gia một cuộc tập trận chung với hai đồng minh Mỹ và Nhật ở vùng biển Nhật Bản.

Dự kiến, cuối năm 2021, Anh sẽ điều nhóm tàu sân bay đến khu vực và thực hiện Thỏa thuận phòng thủ 5 nước cùng Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore.

Trong khi đó, tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kamp-Karrenbauer tuyên bố, các sĩ quan của lực lượng Hải quân Đức sẽ phục vụ trên tàu của Australia, thực hiện nhiệm vụ tuần tra Ấn Độ Dương.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-chau-au-dot-ngot-xoay-truc-chau-a-thai-binh-duong-la-trong-tam-chien-luoc-moi-137730.html