Mỹ chi 3,9 tỷ USD phát triển động cơ máy bay chiến đấu thế hệ mới
Khoản tiền sẽ được sử dụng để thực hiện các hoạt động phát triển công nghệ và giảm thiểu rủi ro thông qua thiết kế, phân tích, thử nghiệm lắp ráp, thử nghiệm động cơ nguyên mẫu và tích hợp hệ thống vũ khí cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.
Quân đội Mỹ đã trao các hợp đồng cho 5 công ty General Electric, Raytheon, Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman để thực hiện giai đoạn nguyên mẫu của chương trình động cơ đẩy thích ứng thế hệ tiếp theo. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ bao gồm cả máy bay có người lái, không người lái và máy bay lai.
Phát triển động cơ mới nằm trong khuôn khổ chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Không quân Mỹ. NGAD nhằm phát triển động cơ đẩy, khả năng tàng hình, hệ thống vũ khí tiên tiến, thiết kế kỹ thuật số và quản lý tín hiệu nhiệt máy bay phát ra.
NGAD đặt mục tiêu phát triển một máy bay chiến đấu làm trung tâm của hệ thống trong khi có sự hỗ trợ của máy bay hộ tống không người lái để mang thêm đạn dược và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Nguyên mẫu máy bay mới đang được phát triển được cho là sẽ thay thế tiêm kích F-22 vào năm 2030, một khi máy bay này được đưa vào hoạt động với số lượng đủ lớn.
NGAD đang được thiết kế để có cả một biến thể tầm xa cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và một biến thể tầm ngắn cho các hoạt động tại mặt trận châu Âu. Phiên bản châu Âu sẽ nhỏ hơn và rẻ hơn, có thể khá khác so với biến thể tầm xa - như đã thấy trong trường hợp của các biến thể F-35.
NGAD ban đầu được thảo luận như một dự án chung giữa Không quân và Hải quân Mỹ, dù hai lực lượng đã tạo ra các văn phòng NGAD riêng biệt. Trong khuôn khổ chương trình này, Không quân Mỹ đã được phê duyệt ngân sách 9 tỷ USD cho giai đoạn 2019-2025.