Mỹ chỉ bắn 60 nghìn quả đạn pháo trong toàn bộ cuộc chiến năm 1991
So sánh cách sử dụng hỏa lực của Quân đội Mỹ và Nga hiện nay có thể nhận ra sự khác biệt rất lớn.
Trên các phương tiện truyền thông, khi đánh giá về cuộc phản công mùa hè của Lực lượng vũ trang Ukraine, hoặc về chiến lược của Kyiv trong cuộc chiến năm 2024, con số thống kê đáng quan tâm nhất chính là số lượng đạn pháo tiêu thụ.
Trong khi Ukraine đạt đỉnh cao 12 nghìn quả đạn pháo mỗi ngày thì con số ở phía Nga lên tới 60 nghìn quả, và điều đáng nói là trận chiến pháo binh vẫn tiếp diễn, tức là số lượng đạn pháo yêu cầu ở mức rất lớn trong tương lai.
Do vậy chúng ta có thể thấy thật ngạc nhiên khi được biết Quân đội Mỹ chỉ bắn 60 nghìn quả đạn pháo trong Chiến dịch "Bão sa mạc" và khoảng 30 nghìn quả trong Chiến dịch "Tự do Iraq", nhưng như vậy là đủ để đạt được mục tiêu.
Theo thống kê, vào năm 1991, trong 4 ngày chiến sự, Quân đội Mỹ đã bắn khoảng 15 nghìn quả đạn mỗi ngày, và sau đó là hơn 1 nghìn quả đạn trong 21 ngày của giai đoạn chiến dịch diễn ra năm 2003.
Con số tổng hợp chi tiết cho hay, trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, người Mỹ đã tiêu thụ tổng cộng 6.604 quả rocket, 964 tên lửa chống tăng (ATGM) TOW, 14.061 đạn pháo tăng 120 mm và 165.300 viên đạn pháo tự động 25 mm.
Trực thăng AH-64 Apache đã bắn 843 tên lửa dẫn đường Hellfire, 2.035 rocket và 28.600 viên đạn từ pháo tự động 30 mm trong các nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực từ trên không.
Trong Chiến dịch Tự do Iraq năm 2003, số lượng đạn tiêu thụ hóa ra lại thấp hơn đáng kể: chỉ có 548 tên lửa, trong đó 375 tên lửa TOW ATGM, 1.600 đạn pháo xe tăng 120 mm và 16 nghìn viên đạn pháo tự động 25 mm.
Trực thăng AH-64 Apache khi đó đã bắn 462 tên lửa dẫn đường Hellfire, 1.300 rocket hàng không và 12.000 viên đạn từ pháo tự động 30 mm.
Với thực tế trên, có thể thấy rằng Quân đội Mỹ nhờ dựa vào không quân và vũ khí chính xác mà số lượng đạn pháo tiêu thụ đã giảm đi rất nhiều, không gây ra gánh nặng hậu cần so với dùng phương thức tác chiến cổ điển thông qua pháo binh.
Một khẩu pháo khi bắn đạn không dẫn đường có thể cần tới cả trăm viên đạn để diệt mục tiêu, đi kèm số lượng lớn xe tiếp đạn, nhân lực phục vụ... chi phí và độ cồng kềnh còn hơn cả một viên đạn dẫn đường chính xác như Excalibur.
Chúng ta có thể chắc chắn rằng những số liệu này phác thảo khuôn khổ khái niệm mà Quân đội Mỹ vẫn đang vận động khi đề xuất những cách tiếp cận nhất định cho cuộc chiến tại Ukraine vào năm 2023 và 2024.
Theo Defense Express