Mỹ chi mạnh cho Sanofi và GSK nghiên cứu vắcxin COVID-19

Ảnh minh họa - Nguồn: Financial Times

* Ý thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 trên người

Ngày 31/7, các tập đoàn dược phẩm Sanofi và GlaxoSmithKline (GSK) thông báo sẽ nhận khoản đầu tư 2,1 tỉ USD từ Chính phủ Mỹ để đẩy nhanh công tác nghiên cứu phát triển vắcxin phòng COVID-19.

Trong một tuyên bố chung, Sanofi và GSK cho biết số tiền đầu tư của Mỹ sẽ được dành cho các hoạt động phát triển và bảo đảm năng lực sản xuất vắcxin trên diện rộng của hai hãng tại Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã đưa một loại vắcxin tiềm năng do hai tập đoàn trên cùng hợp tác phát triển vào chương trình Operation Warp Speed (Chiến dịch thần tốc). Đây là chương trình hợp tác công-tư giữa chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, bào chế và cung cấp vắcxin COVID-19.

Tháng 4 vừa qua, Sanofi (Pháp) và GSK (Anh) đã công bố chương trình hợp tác nghiên cứu bào chế vắcxin phòng COVID-19, với hy vọng có thể tung ra thị trường một sản phẩm vào nửa cuối năm 2021.

Hai tập đoàn trên cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9, trong khi giai đoạn III nghiên cứu vắcxin sẽ được triển khai vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã nhận được nhiều tín hiệu lạc quan trong công tác nghiên cứu bào chế vắcxin Mới đây, Inovio Enterprises thông báo, loại vắcxin phòng COVID-19 mà công ty dược phẩm này đang phát triển đã cho thấy hiệu quả khi thử nghiệm trên khỉ.

Trong khi đó, Johnson & Johnson cũng đã bắt đầu thử nghiệm về mức độ an toàn trên người đối với vắcxin mà tập đoàn này nghiên cứu phát triển, sau khi loại vắcxin này chứng minh được hiệu quả trên khỉ với một liều duy nhất.

Cùng ngày 31/7, theo tờ Politico, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết việc phân phối vắcxin trên cả nước đều sẽ phải thông qua liên doanh giữa Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) – đầu mối thường phụ trách việc tập kết vắcxin - với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trao đổi qua điện thoại với giới phóng viên, quan chức này cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đảm trách tất cả các công việc hậu cần để đưa vắcxin đến những địa điểm cần thiết, vào đúng thời điểm thích hợp và duy trì, bảo quản vắcxin trong điều kiện tốt.

Trong khi đó, CDC sẽ vẫn chịu trách nhiệm về giám sát phản ứng phụ sau khi tiêm vắcxin và một số hoạt động thông tin thông qua quan hệ với các chính quyền bang và các tổ chức y tế công tại các bang. Đây là điểm thay đổi lớn so với thời gian trước đây. Trong những đợt bùng phát dịch lớn, ví như dịch cúm mùa, CDC là đầu mối phân phối vắcxin thông qua một hệ thống đặt hàng tập trung hóa đối với từng bang và các quan chức y tế địa phương.

“Tôi tin là chúng ta đang huy động, kết hợp những sức mạnh tốt nhất của cả hai cơ quan”, quan chức Mỹ cho biết. Cả hai đầu mối này sẽ làm việc thống nhất để phân phối hàng trăm triệu liều vắcxin nếu như mặt hàng này được phát triển, cấp phép trong những tháng tới.

Trong diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Rome dẫn báo Corriere della Sera của Ý cho biết, sau đánh giá tích cực của Viện Y tế cấp cao Ý (ISS) và Viện Truyền nhiễm quốc gia Spallanzani, AIFA đã cho phép thử nghiệm vắcxin GRAd-CoV2 do Ý nghiên cứu và sản xuất, trên 90 tình nguyện viên khỏe mạnh trong 2 độ tuổi: từ 18-55 tuổi và 65-85 tuổi.

Quá trình thử nghiệm sẽ được thực hiện tại Viện Spallanzani ở thủ đô Rome và Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Verona. Thử nghiệm sẽ bắt đầu với nhóm tình nguyện độ tuổi 18-55 để xác định độ an toàn và không gây tác dụng phụ. Nhóm cao tuổi sẽ được thử nghiệm khi có kết quả tích cực từ nhóm 18-55 tuổi.

GRAd-CoV2, vắcxin phòng COVID-19 do công ty công nghệ sinh học ReiTherra của Ý sản xuất, dựa trên vector Adenovirus được phát triển bởi Đại học Oxford. AIFA khẳng định vắc xin GRAd-CoV2 đã được chứng minh đủ an toàn và miễn dịch trong các thử nghiệm trên động vật.

Cũng trong ngày 31/7, Tập đoàn dược phẩm BioNTech của Đức thông báo Nhật Bản đã ký thỏa thuận với tập đoàn này để đặt mua 120 triệu liều vắcxin phòng bệnh COVID-19 do tập đoàn này và hãng dược phẩm hàng đầu của Mỹ là Pfizer phối hợp phát triển.

Chi tiết hợp đồng này không được công bố nhưng BioNTech cho biết các điều khoản được soạn thảo dựa trên khung thời gian bàn giao hàng và số lượng liều được bàn giao. Một thỏa thuận giữa BioNTech, Pfizer và Chính phủ Mỹ được công bố mới đây cho thấy giá mua 100 triệu liều vắcxin COVID-19 là gần 2 tỉ USD. Theo thỏa thuận giữa Tokyo và hai hãng trên, lô vắcxin đầu tiên sẽ được bàn giao cho Nhật Bản vào nửa đầu năm 2021.

Tới nay, Nhật Bản được cho là đã tránh được những hậu quả nặng nề của dịch bệnh, kiềm chế số ca bệnh ở khoảng 32.500 ca và hơn 1.000 ca tử vong kể từ khi ca đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020. Tuy nhiên, kể từ khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia hai tháng trước, số ca mắc mới tại Nhật Bản lại gia tăng. Ngày 30/7, Thị trưởng Tokyo cảnh báo có thể áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp mới nếu số ca mắc mới tiếp tục gia tăng.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/242911/my-chi-manh-cho-sanofi-va-gsk-nghien-cuu-vacxin-covid-19.html