Mỹ chia rẽ về xung đột Nga-Ukraine: Hỗ trợ đến cùng hay buộc Kiev đàm phán?
Sự thay đổi liên tục về bản chất của cuộc chiến tại Ukraine đã gây chia rẽ giữa các nhà phân tích và nhà lập pháp Mỹ.
Một số người đặt câu hỏi, liệu các quan chức Mỹ có mô tả cuộc khủng hoảng bằng những từ ngữ quá lạc quan hay không trong khi những người khác cho rằng chính phủ Ukraine có thể giành chiến thắng nếu được phương Tây trợ giúp nhiều hơn.
Hỗ trợ đến cùng hay buộc Kiev đến bàn đàm phán
Cuộc tranh luận đã trở nên gay gắt hơn sau 4 tháng kể từ khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Khi giai đoạn đầu của chiến dịch kết thúc, quân đội Nga đã thu hẹp mục tiêu, tập trung giành quyền kiểm soát khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine, đồng thời tăng cường thực hiện các cuộc tấn công bằng đạn pháo nhằm vào các lực lượng Ukraine mỗi ngày.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Madrid vào ngày 2/7, Tổng thống Biden khẳng định “Mỹ đang vận động cả thế giới sát cánh cùng Ukraine. Ông cho biết: “Tôi không biết cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào, nhưng nó sẽ không kết thúc bằng việc Nga đánh bại Ukraine”.
Giới chức Mỹ thừa nhận, khi các lực lượng Nga tăng cường hỏa lực, họ đã kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ ở phía Đông, trong đó có thành phố chiến lược Severodonetsk và sắp tới có thể là thành phố Lysychansk. Tuy vậy, Mỹ vẫn cho rằng, những gì mà Nga đạt được chỉ là bước tiến nhỏ và chậm chạp, trong khi quân đội nước này phải chịu tổn thất đáng kể. Nhưng theo các nhà quan sát, không chỉ riêng Nga mà phía Ukraine cũng phải chịu thiệt hại nặng nề về người và vũ khí. Một đánh giá độc lập cho thấy, mỗi bên đã có hàng nghìn binh sỹ thiệt mạng hoặc bị thương.
Đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ hầu như từ chối đánh giá công khai về tình hình thiệt hại của các bên trên chiến trường. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Todd Breasseale nhấn mạnh, mối quan tâm lớn của Bộ Quốc phòng là thảo luận về việc nên cung cấp cho quân đội Ukraine những thông tin gì để họ có được lợi thế trước Nga.
Mỹ đã tỏ ra thận trọng khi công bố đánh giá về tình hình chiến sự Ukraine bởi nước này dường như đã rút ra bài học kinh nghiệm sau những thất bại trên chiến trường Afghanistan. Trước khi Taliban lên nắm quyền, chính quyền các tổng thống Mỹ nhiều lần khẳng định các lực lượng Afghanistan vẫn đang “dẫn đầu” dù sức mạnh của họ phụ thuộc khá lớn và sự hỗ trợ hậu cần và không quân của Mỹ.
Theo bà Kori Schake, Giám đốc Nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, trái ngược với Afghanistan, đối với Ukraine, Lầu Năm Góc không thể đưa ra sự khẳng định rõ ràng rằng quân đội mà họ đang hỗ trợ đã xoay chuyển được tình thế. Bởi Mỹ không điều động binh sỹ tham gia cuộc chiến này, dù chính quyền Tổng thống Biden cam kết chi hơn 6,9 tỷ USD để hỗ trợ vũ khí và nhiều lĩnh vực khác cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2. Các loại vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Ukraine ngày càng trở nên tinh vi hơn, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142, hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không và bệ phóng tên lửa diệt hạm Harpoon.
Nhà phân tích Kori Schake đánh giá, dù không có sự hỗ trợ về binh lực của Mỹ nhưng các lực lượng Ukraine vẫn có khả năng giành chiến thắng và họ có thể đang trong quá trình tích lũy vũ khí để chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn nhằm đẩy lùi quân đội Nga. Theo bà Kori Schake, Mỹ nên kéo dài việc viện trợ vũ khí cho Ukraine: “Chúng ta chỉ cần nhấn ga để giúp họ đạt được thành công trong thời gian sớm nhất”.
Trái ngược với quan điểm này, ông Benjamin Friedman, Giám đốc chính sách của Defense Priorities nhận định, mục tiêu mà Ukraine đặt ra nhằm đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ “ngày càng trở nên phi thực tế” và chính quyền Tổng thống Biden phải hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy Ukraine tham gia đàm phán với Nga nhằm cố gắng đạt được một thỏa thuận chính trị.
“Không ai muốn họ nhượng bộ về lãnh thổ. Nhưng bạn phải đánh giá tình hình một cách trung thực, nhiều khả năng Ukraine sẽ phải đánh đổi lãnh thổ để lấy hòa bình. Tôi nghĩ Mỹ nên làm nhiều hơn nữa để đưa Ukraine đến bàn đàm phán, việc tiếp tục bơm vũ khí vào chiến trường không chỉ gây bất lợi cho những người dân thường Ukraine mà còn gây bất lợi cho người Mỹ và tất cả những ai đang gặp các vấn đề kinh tế do chiến tranh”.
Áp lực đối với chính quyền Biden
Không riêng gì các nhà phân tích, nhiều nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã mâu thuẫn về quan điểm khi đánh giá tình hình cuộc chiến Ukraine. Hạ nghị sỹ Dân chủ Mỹ Seth Moulton cho rằng chính quyền Biden khó có thể thay đổi được những gì đang diễn ra ở Ukraine. Ông nói, “việc thổi phồng những thành công trong cuộc chiến chống lại Nga” có thể làm suy yếu sự ủng hộ của Quốc hội với Ukraine trong tương lai dù lưỡng đảng đã có những cuộc đối thoại đáng tin cậy và cởi mở” về cuộc chiến ngay từ khi nó bắt đầu.
Moulton, một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ nhận định: “Câu chuyện đáng chú ý liên quan đến cuộc xung đột này là việc chính quyền đã tiết lộ một số lượng lớn thông tin về những gì đang xảy ra ở Ukraine và họ rất thẳng thắn nhìn vào những gì đang diễn ra.
“Chúng tôi không tiết lộ cho người dân Mỹ về việc tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc các lực lượng nổi dậy ở Afghanistan sẽ làm gì tiếp theo, nhưng chúng tôi lại tiết lộ cho họ điều mà Nga sắp sửa làm”.
Mặc dù sự hỗ trợ mà Mỹ dành cho Ukraine đã nhận được sự ủng hộ hiếm thấy từ lưỡng đảng, nhưng các thành viên của Đảng Cộng hòa vẫn nhận thấy những thách thức tiềm ẩn đối với chính quyền Biden. Hạ nghị sỹ Cộng hòa Michael Waltz lưu ý: “Tại Ukraine, chính quyền tập trung quá nhiều vào số lượng vũ khí viện trợ và tốc độ chuyển giao vũ khí mà không chú ý đến sự thật là Nga đang làm suy yếu quân đội Ukraine” .
Quan chức này lưu ý, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá sứ mệnh mà họ đang thực hiện “rất thành công”, nhưng họ không giải thích rõ liệu sứ mệnh đó có đáp ứng được lợi ích của Mỹ không? Điều khó khăn hiện giờ là xem xét trang thiết bị mà Mỹ cung cấp đang được sử dụng như thế nào và liệu chúng có bị rơi vào thị trường chợ đen hay vào tay các lực lượng đối đầu hay không.
Hiện chính quyền Biden không chỉ đối mặt với những lời chỉ trích từ các thành viên đảng Cộng hòa, mà còn chịu sức ép ngay từ trong nội bộ đảng Dân chủ khi ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu tìm kiếm một chiến lược rút lui. Hạ nghị sỹ Dân chủ Ro Khanna khẳng định, dù hoan nghênh mục tiêu của chính quyền là ngăn chặn Nga kiểm soát thành phố Kiev của Ukraine, nhưng ông không muốn chứng kiến “một cuộc xung đột kéo dài, không thấy hồi kết đang tàn phá nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu”./.