Mỹ chính thức thông báo với Nga về quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Ngày 22/5, Bộ Ngoai giao Nga cho biết phía Mỹ đã chính thức thông báo với nước này về quyết định của Washington rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở.
Hãng thông tấn Tass cho biết Bộ Ngoại giao Nga đã xác nhận thông tin phía Mỹ chính thức thông báo về quyết định của Chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, bước đi mà phía Moskva đánh giá là "rất đáng tiếc".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga viết: “Điều này rất đáng tiếc, vì nó gây thiệt hại đáng kể cho an ninh châu Âu. An ninh của chính Mỹ sẽ không được củng cố và uy tín của Mỹ trong các vấn đề quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng".
Tuy nhiên, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở chừng nào thỏa thuận này còn hiệu lực. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với lý do "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước".
Trao đổi với hãng thông tấn RIA Novosti, Thứ trưởng Grushko nêu rõ: "Chúng tôi cần một cách tiếp cận thực tế. Miễn là hiệp ước vẫn còn hiệu lực, chúng tôi vẫn sẽ tuân thủ đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ được nêu trong hiệp ước". Ông Grushko cũng cho biết Nga vẫn đang "hành động trên cơ sở tất cả các nước khác cũng sẽ hành xử tương tự", nhấn mạnh Moskva sẽ có "cách tiếp cận tận tâm đối với những nghĩa vụ của các bên tham gia hiệp ước này".
Nhà ngoại giao Nga đồng thời chỉ trích việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ gây phương hại cho tình hình an ninh châu Âu, cũng như ảnh hưởng tới chính lợi ích của các nước đồng minh của Washington.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Có hiệu lực từ năm 2002, hiệp ước này cho phép các nước tham gia thực hiện những chuyến bay giám sát bên trên các căn cứ quân sự của nhau, để thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của các nước này. Có 34 quốc gia tham gia thỏa thuận, bao gồm cả Mỹ.
Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở cựu lục địa. Mục đích chính của văn kiện này là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hóa giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là bước đi tiếp theo của Washington nhằm phá hủy cấu trúc an ninh quốc tế vốn đã đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ qua. Theo ông Medvedev, Washington đã hơn một lần sử dụng “cách thức tương tự” để biện minh cho hành động của mình để rút khỏi các văn kiện cơ bản khác trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
Ông Medvedev khẳng định, các vấn đề kỹ thuật không thể biện minh cho việc rút khỏi "thỏa thuận đa phương cơ bản" này. Ông cũng đề nghị phía Mỹ tiếp tục thảo luận về các vấn đề bất đồng xung quanh việc thực thi Hiệp ước này tại Ủy ban Tư vấn về Bầu trời mở ở Vienna.
Trong khi đó, báo New York Times, nhận định việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở phát đi tín hiệu Washington có thể sẽ từ chối gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3).
START-3, hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò nòng cốt đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moskva.
Vốn được thương lượng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, START-3 hạn chế Mỹ và Nga triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân cùng nhiều điều khoản ràng buộc khác. Nếu START-3 không được gia hạn, đây là sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Mạng tin Politico mới đây cho biết Mỹ đang cân nhắc một hướng đi mới nhằm duy trì Hiệp ước START-3, khi theo đuổi một thỏa thuận vũ trang rộng hơn với cả Nga và Trung Quốc. Theo kế hoạch này, Nhà Trắng sẽ tạm thời gia hạn Hiệp ước START-3, đồng thời tìm kiếm một thỏa thuận với Moskva theo hướng thuyết phục Trung Quốc cùng tham gia đàm phán.
Tuy nhiên, triển vọng này cũng khá mờ mịt vì Bắc Kinh từng nhiều lần tuyên bố không quan tâm tới việc tham gia một hiệp ước kiểm soát vũ khí như thế với Mỹ và Nga.