Mỹ cho phép tiêm kết hợp liều tăng cường vắc-xin phòng COVID-19
Ngày 20-10, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng một chiến lược gọi là
Ngày 20-10, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng một chiến lược gọi là “pha trộn và kết hợp” cho những người đủ điều kiện muốn tiêm liều tăng cường vắc-xin phòng COVID-19 sau những liều tiêm chính. Theo quyết định mới, những người đã được tiêm hai mũi đầu tiên bằng vắc-xin của hãng Moderna và từ 65 tuổi trở lên, những người trên 18 tuổi và có nguy cơ cao mắc COVID-19 hoặc trên 18 tuổi và làm các nghề có nguy cơ phơi nhiễm cao có thể được tiêm liều tăng cường. Tất cả người trưởng thành đã tiêm một liều vắc-xin duy nhất của hãng Johnson & Johnson từ cách đây hai tháng cũng đủ điều kiện để được tiêm mũi tăng cường. Trước đây, chỉ những người có hệ miễn dịch yếu hoặc những người thuộc nhóm người cao tuổi hoặc có nguy cơ cao và đã được tiêm hai mũi vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech mới được phép tiêm liều tăng cường.
Câu lạc bộ Paris cho phép Cuba chậm thanh toán nợ
Ngày 20-10 hãng tin Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, Chính phủ Cuba đã đạt được thỏa thuận với các quốc gia chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris để hoãn thanh toán khoản nợ mà nước này dự kiến phải trả trong thời gian từ tháng 10 này đến tháng 11 năm sau. Thỏa thuận hoãn thanh toán nợ cho Cuba đã được thảo luận giữa các bên từ tháng 6 vừa qua, theo đó Chính phủ Cuba sẽ nối lại việc thanh toán nợ cho các nước phương Tây vào năm 2022 và có sự điều chỉnh về lộ trình thanh toán. Được biết, thỏa thuận đạt được đã “cung cấp một điều khoản bổ sung” để Cuba giải quyết các khoản nợ khác nhau theo thỏa thuận năm 2015 giữa La Habana và Câu lạc bộ Paris và “tiếp tục duy trì giá trị hiện tại của các khoản nợ này”. Các nhà ngoại giao cũng tiết lộ, khoản nợ Cuba cần phải trả khoảng 200 triệu USD. Nguồn tin này không cho rõ, liệu chính phủ đảo quốc Caribe có phải chịu phạt vì chậm trả do đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều nước chủ nợ xóa lãi nợ cho các nước mang nợ.
Máy bay không người lái tấn công căn cứ Mỹ ở Syria
Ngày 20-10, một vài tiếng nổ vang lên từ căn cứ Al-Tanf, nơi liên quân do Mỹ đứng đầu sử dụng, gần biên giới của Syria với Iraq và Jordan.
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), một “vụ tấn công bằng máy bay không người lái” đã gây ra những vụ nổ trên. Hiện chưa có báo cáo về thương vong sau vụ việc. Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên cũng xác nhận căn cứ này đã bị tấn công. Căn cứ Al Tanf nằm ở phía Nam Syria, được thành lập từ năm 2016 trong khuôn khổ chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Căn cứ này nằm ở khu vực chiến lược gần cửa khẩu Tanf của Syria với Iraq và Jordan. Chính phủ Syria đã nhiều lần phản đối việc Mỹ đồn trú tại đây./.