Mỹ có hạn chế mới, 'chặn' Trung Quốc tiếp cận chip AI; châu Âu lo ngại bởi vẫn cần Washington
Ngày 13/1, Mỹ đã công bố quy định xuất khẩu mới đối với các chip điện toán tiên tiến được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tạo điều kiện bán hàng cho các nước đồng minh và tăng cường hạn chế tiếp cận đối với các nước như Trung Quốc.
Gói hạn chế mới - bao gồm cả quy định về trọng số cho các mô hình AI đóng - được xây dựng dựa trên những biện pháp kiểm soát đã được công bố năm 2023 về việc xuất khẩu một số loại chip AI sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Quy định mới cập nhật việc kiểm soát chip, yêu cầu phải có giấy phép cho hoạt động xuất khẩu, tái xuất và chuyển giao trong nước. Đồng thời, đưa ra một loạt ngoại lệ cho các nước được Mỹ coi là thân thiện.
Trong khi đó, các trung tâm dữ liệu AI sẽ cần tuân thủ các thông số bảo mật tăng cường để được phép nhập khẩu chip.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh: "Hiện Mỹ dẫn đầu thế giới về AI - cả về phát triển AI và thiết kế chip AI - và việc duy trì vị thế này là điều then chốt".
Bà Raimondo cho biết, quy định mới sẽ có hiệu lực sau 120 ngày, tạo thời gian cho chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể thực hiện những thay đổi.
* Cùng ngày, phản ứng về gói hạn chế trên, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại.
Theo đó, những quy định này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến một số quốc gia thành viên EU và các doanh nghiệp châu Âu, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ cao giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Trong thông cáo chung, bà Henna Virkkunen, Ủy viên phụ trách công nghệ của Ủy ban châu Âu (EC) và ông Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch EC phụ trách thương mại bày tỏ: “Chúng tôi lo ngại về các biện pháp mà Mỹ vừa thông qua. Chúng tôi cho rằng, vì lợi ích kinh tế và an ninh của cả hai bên, EU cần được mua các loại chip AI tiên tiến từ Washington mà không bị hạn chế”.
Hai quan chức EU cho rằng, châu Âu là đối tác quan trọng trong lĩnh vực an ninh và công nghệ, đồng thời khẳng định khối 27 thành viên không phải là mối đe dọa an ninh mà ngược lại, là một cơ hội kinh tế đối với Mỹ.
Brussels khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại với Washington để bảo đảm rằng các biện pháp hạn chế nêu trên sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác và lợi ích chung trong lĩnh vực công nghệ.