Mỹ có thể điều tra CBPG sản phẩm đúc bằng sợi Việt Nam

DOC có 20 ngày để xem xét đơn đề nghị điều tra và ban hành quyết định khởi xướng/hay không khởi xướng điều tra.

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm đúc bằng sợi (Molded fiber products) nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.

Mã HS của sản phẩm gồm: 4823.70.0020; 4823.70.0040; 4823.61.20; 4823.61.40, 4823.69.20; 4823.69.40. Thời kỳ điều tra CBPG/CTC dự kiến 2023, thiệt hại dự kiến 3 năm (2021-2023).

Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam bán phá giá với biên độ 328-602%. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm đúc bằng sợi (Indonesia nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam).

Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc.

Về cáo buộc trợ cấp, nguyên đơn cho rằng Chính phủ Việt Nam cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể cho các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu gồm 22 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Mỹ.

Cụ thể, các chương trình cáo buộc thuộc các nhóm: nhóm các chương trình cho vay và bảo đảm; nhóm các chương trình miễn thuế nhập khẩu; nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; nhóm các chương trình ưu đãi về đất; các chương trình tài trợ xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư; các chương trình cung cấp các tiện ích điện, nước và các tiện ích khác cho doanh nghiệp với mức giá ưu đãi.

Theo DOC, có 8 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá và nhận trợ cấp từ Chính phủ.

Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra CBPG và CTC của Mỹ và dự kiến chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Đức Mạnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/my-co-the-dieu-tra-cbpg-san-pham-duc-bang-soi-viet-nam-post117707.html