Mỹ có thể hạ nhiệt khủng hoảng Liban?
Ngọn lửa xung đột âm ỉ suốt nhiều thập kỷ giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban đang bị thổi bùng, dẫn tới nguy cơ chiến tranh toàn diện. Mỹ phản đối khả năng Israel đưa quân vào Liban và đề xuất ý tưởng để xoa dịu khủng hoảng. Trong khi đó, Israel tuyên bố sẽ không ngừng chiến dịch không kích nhằm vào Hezbollah, cho đến khi thay đổi hiện trạng an ninh ở miền Bắc Israel.
Chuyện gì đang xảy ra giữa Israel và Hezbollah?
Vài ngày qua, xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban leo thang nghiêm trọng với hàng loạt sự kiện gây thương vong lớn. Loạt vụ nổ thiết bị liên lạc của lực lượng Hezbollah ở Liban ngày 17-18/9 khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Nhóm vũ trang Liban cáo buộc Israel là thủ phạm, song Tel Aviv không phủ nhận hay xác nhận.
Hàng loạt vụ tập kích qua lại lẫn nhau giữa Israel và Hezbollah đã xảy ra trong những ngày sau đó, đỉnh điểm là trận không kích quy mô lớn của Israel vào miền đông và miền nam Liban hôm 23/9, khiến ít nhất 558 người thiệt mạng, trong đó có 50 trẻ em và 94 phụ nữ, và hơn 1.800 người bị thương.
Để trả đũa, Hezbollah ngày 22-24/9 phóng hàng trăm rocket vào những mục tiêu ở miền Bắc Israel, cách biên giới Liban khoảng 50-60 km, đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất và sâu nhất vào lãnh thổ Israel mà tổ chức này thực hiện trong gần một năm qua. Trong cuộc tấn công nhằm vào miền bắc Israel ngày 24/9, Hezbollah tuyên bố tấn công nhà máy thuốc nổ và sân bay nằm cách biên giới 55-60 km. Phần lớn đầu đạn bị đánh chặn, nhưng vẫn có một số quả đạn lọt qua lưới phòng không Israel và gây thiệt hại dưới mặt đất.
Tiếp tục vào rạng sáng nay (25/9), hơn 250 tiêm kích Israel tham gia chiến dịch không kích diện rộng, phóng khoảng 2.000 quả đạn vào mục tiêu Hezbollah ở Liban. Theo lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), chiến dịch không kích đã tiêu diệt chỉ huy sư đoàn rocket và tên lửa của Hezbollah là Ibrahim Qubaisi cùng một một số thành viên cao cấp của đơn vị.
Căng thẳng hiện nay khiến nhiều nước cùng các tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah. Dù vậy, cả Israel lẫn Hezbollah đều chưa chính thức tuyên bố chiến tranh. Lí giải về điều này, giới chuyên gia cho rằng Israel và Hezbollah đều hy vọng có thể đạt được mục tiêu đề ra mà không làm bùng phát xung đột nghiêm trọng hơn, hoặc không muốn bị đổ lỗi là bên phát động cuộc chiến như vậy.
Israel sẽ tiếp tục không kích Hezbollah
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ không ngừng chiến dịch không kích nhằm vào Hezbollah, giữa lúc căng thẳng đang leo thang nhanh chóng.
“Chúng ta sẽ tiếp tục tấn công Hezbollah... Những người giấu tên lửa trong nhà của mình sẽ không còn nhà cửa", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu ngày 24/9 khi đến thăm một căn cứ tình báo.
Ông cáo buộc thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đang “đẩy Lebanon đến bờ vực thẳm”. “Tôi muốn nói với người dân Lebanon rằng cuộc chiến không nhằm vào các bạn. Cuộc chiến của chúng tôi nhắm tới Hezbollah”, Thủ tướng Israel nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cùng ngày nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Netanyahu, tuyên bố Israel “đã sẵn sàng cho nhiều cuộc không kích hơn nữa" và khẳng định quân đội nước này “phải tiếp tục cho đến khi đạt được mục tiêu, đảm bảo người dân miền bắc Israel có thể trở về nhà an toàn”.
Ông Gallant cho rằng cuộc đối đầu với Hezbollah có nhiều điểm khác với chiến dịch quân sự nhằm vào nhóm Hamas ở Dải Gaza. Đồng thời thông tin thêm rằng Hezbollah đã phải hứng chịu nhiều đòn tấn công nghiêm trọng trong tuần qua. "Hezbollah hôm nay không còn là Hezbollah như chúng ta biết cách đây một tuần", Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho hay.
Theo người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel Daniel Hagari thì chiến dịch hiện nay ở biên giới phía Bắc vẫn chưa kết thúc và không loại trừ khả năng lực lượng Israel mở một chiến dịch trên bộ ở Liban. Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi cũng nói rằng Israel đang “chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo”. CNN dẫn thông tin từ một quan chức Israel cho biết, nội các Israel tuyên bố “tình hình đặc biệt” trên toàn quốc, có quyền áp đặt các hạn chế đối với đời sống dân sự,
Tờ Times of Israel dẫn lời các quan chức giấu tên của Israel tiết lộ, mục tiêu của việc không kích là làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực, thông qua việc phá hủy các phương tiện quân sự của Hezbollah và nhiều biện pháp khác.
“Chúng tôi đang nối tiếp các chiến dịch tiêu diệt chỉ huy Hezbollah Ibrahim Aqil. Tel Aviv có 2 mục tiêu chính, đầu tiên là thể hiện sự răn đe trước Hezbollah và đảm bảo người dân Israel có thể trở về nhà. Mục tiêu thứ hai là làm suy yếu trục Iran”, nguồn tin của Times of Israel cho biết.
Một quan chức khác nói rằng, IDF sẽ dừng chiến dịch nếu Hezbollah đáp ứng yêu cầu của Tel Aviv, bao gồm việc rút khỏi biên giới phía bắc của Israel.
“Đối phương biết rõ yêu cầu của chúng tôi. Nếu họ không thực hiện, chiến dịch của IDF sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo”, quan chức này nói.
Iran: Không thể để Liban thành Gaza thứ hai
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để tránh kịch bản Liban bị tàn phá bởi chiến sự, khi căng thẳng Israel - Hezbollah dâng cao.
“Hebzollah không thể đơn thương độc mã đối đầu với một quốc gia đang được phương Tây, các quốc gia châu Âu và Mỹ bảo vệ, hỗ trợ và cung cấp vũ khí", Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 24/9 trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN.
Hezbollah là nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn. Khi được hỏi liệu Tehran có khuyên Hezbollah kiềm chế đáp trả các cuộc không kích của Israel hay không, ông Pezeshkian mô tả Hezbollah đang phải đối mặt với một quốc gia có quân đội "được trang bị kỹ càng và tiếp cận các hệ thống vũ khí vượt trội hơn nhiều so với các bên khác".
Iran kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "hành động ngay lập tức chống lại hành động leo thang" của Israel. "Cộng đồng quốc tế không được để Lebanon trở thành một Gaza thứ hai", Tổng thống Pezeshkian nói. Israel đã tiến hành chiến dịch ở Gaza kể từ tháng 10 năm ngoái, để đáp trả vụ đột kích của Hamas. Dải đất bị tàn phá nghiêm trọng, hơn 41.000 người thiệt mạng do xung đột.
Trước đó, Hezbollah cũng tuyên bố không muốn chiến tranh, dù khẳng định đã chuẩn bị cho trường hợp trên. Nhóm vũ trang Liban nhấn mạnh sẽ tiếp tục tập kích miền bắc Israel đến khi các bên đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Liban Abdallah Bou Habib đã kêu gọi Washington nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng đang có dấu hiệu lan rộng.
“Động thái của Mỹ là chìa khóa để cứu rỗi người dân Liban. Mỹ là quốc gia duy nhất có thể tạo ra sự khác biệt ở Trung Đông”, ông Habib nói.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Liban, các cuộc không kích của Israel kể từ ngày 23/9 đã làm ít nhất 569 người Lebanon thiệt mạng và 1.835 người khác bị thương. “Phần lớn nạn nhân trong các cuộc không kích của Israel là thường dân. Điều này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của Israel rằng, họ chỉ nhắm vào các chiến binh Hezbollah", phía Liban cho biết.
Đáp lại lời kêu gọi của Liban, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang nỗ lực để tìm cách giảm căng thẳng tại biên giới Israel-Liban, đồng thời muốn Tel Aviv tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.
“Tổng thống Biden vẫn chưa bỏ cuộc. Có rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để ngăn chặn cuộc khủng hoảng Trung Đông”, ông Sullivan cho biết.
Mỹ và cộng đồng quốc tế vào cuộc
Căng thẳng Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban leo thang ngay trong thời điểm Đại Hội đồng Liên hợp quốc họp tại Mỹ với sự tham gia của các lãnh đạo thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông “rất lo ngại về tình hình leo thang và số lượng lớn thương vong dân sự”.
Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc hôm 23-9, Đại diện Liban tại Liên hợp quốc- bà Bahia Hariri cáo buộc hành động không kích của Israel không chỉ gây thương vong nguy hiểm mà còn tổn hại kinh tế và đe dọa trật tự xã hội của Liban. Hàng loạt tòa nhà dân cư bị nhắm mục tiêu, nhiều vùng đất nông nghiệp rộng lớn bị phá hủy, chưa kể nhiều nước đã yêu cầu công dân rời khỏi Liban.
Bà El Hariri cho biết chính phủ Liban đang khẩn trương hành động “để giải quyết hành vi gây hấn mà chúng tôi là nạn nhân ở mọi cấp độ, ngoại giao, nhân đạo, y tế, an ninh và cả về mặt sinh kế của người dân”.
“Việc Israel không kích Liban diễn ra cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh tương lai và việc này vô cùng nhạy cảm. Toàn thể nhân loại đang rất cần đối thoại để tự vấn bản thân và nhận thức được những nguy cơ đang đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế” – bà El Hariri nói trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Hàng loạt nước Trung Đông cũng nhanh chóng lên tiếng quan ngại sự việc Israel không kích Liban và kêu gọi hai bên kiềm chế. Ả rập Xê út nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của Liban”, kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế “thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình để chấm dứt mọi xung đột trong khu vực”. Qatar nêu rõ quan điểm rằng "tình hình tiếp tục leo thang chủ yếu do không có biện pháp răn đe nào đối với các hành động của Israel". Ai Cập, Jordan đang bày tỏ sự đoàn kết với Liban và kêu gọi quốc tế hành động.
Về phía Mỹ - đồng minh của Israel và là nước chủ nhà tổ chức kỳ họp Đại Hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông đang liên lạc suốt ngày đêm với các quan chức Liban và Israel về diễn biến Israel không kích Liban, CNN đưa tin.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng ở Liban hãy bình tĩnh: “Chiến tranh toàn diện không có lợi cho bất kỳ ai. Ngay cả khi tình hình đã leo thang, vẫn có thể có giải pháp ngoại giao”.
Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng “leo thang sẽ không giúp giảm leo thang”. Quan chức này cho biết Mỹ và các đối tác đang nỗ lực tìm kiếm một lối thoát ngoại giao để "giải quyết những thách thức và rủi ro ngày càng tăng của tình hình leo thang qua ranh giới xanh giữa Israel và Liban". Quan chức Mỹ đồng thời lưu ý rằng đây là "trọng tâm chính" của Ngoại trưởng Antony Blinken trong tuần này.
Theo lời quan chức này, Mỹ và các đối tác đã đưa ra một số "ý tưởng cụ thể" để hạ nhiệt tình hình, song không cung cấp thông tin chi tiết về "những ý tưởng cụ thể" này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không muốn chứng kiến tình hình leo thang hơn nữa từ bất kỳ bên nào, tuy nhiên khẳng định sẵn sàng bảo vệ các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực. Theo thư ký báo chí Lầu Năm Góc - Thiếu tướng Patrick Ryder, Mỹ nhanh chóng gửi một số lượng nhỏ binh sĩ đến Trung Đông. Mỹ đã có hàng nghìn quân và lượng lớn khí tài trong khu vực ở phía đông Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Cùng với đó, Đại sứ quán Mỹ ở Liban đã khuyến cáo công dân Mỹ nhanh chóng rời khỏi Liban.
Liệu Israel có thể tiến hành chiến dịch trên bộ ở Liban?
Tình hình căng thẳng tại biên giới Israel - Liban đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng Israel sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự trên bộ vào miền Nam Liban. Tuy nhiên, Isa Blumi, Phó Giáo sư Khoa Nghiên cứu Châu Á và Trung Đông tại Đại học Stockholm (Thụy Điển) cho rằng khả năng Israel thực hiện một chiến dịch trên bộ quy mô lớn vào miền Nam Liban là không cao. Theo ông, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có thể nhận thấy những rủi ro và khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt trong một chiến dịch như vậy. Miền Nam Liban là một vùng đất khó kiểm soát, nơi Hezbollah đã xây dựng một mạng lưới phòng thủ rộng lớn và nhiều lớp. Cuộc tấn công của Israel vào Liban năm 2006 đã gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Israel, và ông Blumi lưu ý Israel sẽ không muốn lặp lại thất bại này.
Thay vào đó, Phó Giáo sư Isa Blumi dự đoán Israel có thể tìm cách thuyết phục các đồng minh của mình, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, tham gia vào việc loại bỏ Hezbollah khỏi miền Nam Liban. Tuy nhiên, khả năng này cũng không dễ dàng vì các lực lượng quốc tế có thể không muốn tham gia vào một cuộc xung đột phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy.
Trong khi đó, bà Miri Eisen, cựu đại tá quân đội Israel và là chuyên gia tại Đại học Reichman (Israel), nhận định giới lãnh đạo Israel coi tăng cường hoạt động quân sự nhằm vào Hezbollah là điều cần thiết nếu muốn đạt được bất cứ thỏa thuận giảm leo thang nào.
Bà Eisen cho rằng một cuộc tấn công trên bộ sẽ đem lại lợi ích lớn hơn: Đảm bảo rằng Hezbollah sẽ không thể tấn công Israel bất ngờ như những gì Hamas đã làm hồi tháng 10/2023.
"Tôi nghĩ có khả năng (Israel) tấn công trên bộ vì chúng tôi vẫn cần đẩy lực lượng Hezbollah xa khỏi biên giới", bà Eisen nhận định.
Trước những suy đoán trái chiều và diễn biến phức tạp hiện nay, Liban đang mấp mé bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Bình luận về cuộc chiến giữa Hezbollah và Israel, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi người dân trên thế giới, thậm chí ngay ở Liban và Israel không thể để Liban trở thành một Gaza nữa./.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/my-co-the-ha-nhiet-khung-hoang-liban-268083.htm