Mỹ có thể học gì từ Đức trong xử lý khủng hoảng COVID-19?
Giống nhau cách phân chia quản lý giữa chính quyền liên bang và cấp bang nhưng cách xử lý khủng hoảng COVID-19 của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không giống nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khiến người Mỹ bất ngờ khi tuyên bố quyết định thời điểm mở cửa trở lại nền kinh tế hoàn toàn là quyền của ông.
Điều này không bình thường vì Mỹ vốn chia quyền lực qua nhiều cấp quản lý khác nhau và cần sự thông qua của các cấp.
Nhiều thống đốc bang đã không đồng tình với Tổng thống Trump. Thống đốc New York Andrew Cuomo nhận định rằng ông Trump đang gây ra “cuộc chiến về vấn đề này”.
Còn tại Đức, ngay từ giai đoạn đầu dịch COVID-19, Thủ tướng Angela Merkel đã nói: “Chế độ liên bang không phải là nơi mọi người có thể rũ bỏ trách nhiệm. Đây là chế độ mà mọi người chịu trách nhiệm trong lĩnh vực của mình”.
Thủ tướng Merkel tập trung kêu gọi sự đoàn kết của người dân. Ngày 18/3, bà Merkel nói: “Còn bao nhiêu người thân nữa sẽ ra đi, cái giá phải trả sẽ cao thế nào? Tất cả đều phục thuộc vào chúng ta trong thay đổi hậu quả từ khủng hoảng này. Tôi tin rằng chúng ta có thể hành động trách nhiệm để cứu mạng sống nhiều người”.
Ngôn từ của bà Merkel góp phần khiến người dân đoàn kết, ủng hộ biện pháp đối phó dịch của chính phủ. Thống đốc bang Baden-Wuerttemburg, ông Winfried Kretschmann đã chỉ ra khác biệt giữa Đức và Mỹ: “Chúng ta thấy rằng tại Mỹ, một số thống đốc tự xử lý tình hình và có những người từ đầu đã phủ nhận các rủi ro. Điều như vậy không xảy ra tại đây, đó là lý do chúng tôi đều chuẩn bị sẵn sàng trước khủng hoảng”.
Vẫn còn sớm để có đánh giá cuối cùng nhưng cách xử lý dịch bệnh của Đức được coi là hình mẫu. Đức có số ca mắc COVID-19 cao nhưng tỷ lệ tử vong tương đối thấp và hệ thống y tế không bị quá tải. Tính đến 17/4, Đức ghi nhận 137.698 ca nhiễm và 4.052 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Sau cuộc họp với các thống đốc bang vào 15/4, Thủ tướng Merkel tuyên bố rằng Đức đã sẵn sàng khởi động từ từ việc nới lỏng phong tỏa. Nhiều cửa hàng sẽ hoạt động kinh doanh trở lại, còn trường học dần dần mở cửa từ đầu tháng 5. Tuy nhiên, một số hạn chế khác vẫn được duy trì.
Nhà nghiên cứu Jan Techau tại Quỹ Marshall (Đức) nhấn mạnh đến khả năng của Thủ tướng Merkel trong hình thành sự đồng lòng giữa các thống đốc bang. Ông Jan Techau nhận định: “Bà Merkel có thể lùi bước, trở nên gần như vô hình nhưng vẫn tạo ảnh hưởng đến hệ thống. Đây là biện pháp của bà trong 15 năm qua, và nó đặc biệt hữu ích trong thời điểm xảy ra khủng hoảng và cần phải đưa mọi người gắn kết với nhau”.
Tại Đức, Thủ tướng Merkel không thể buộc thống đốc 16 bang phải thi hành biện pháp giãn cách xã hội cũng như tạm thời đóng cửa nhà hàng, trường học. Tuy nhiên, những thống đốc này đều đồng hành cùng chính quyền trung ương và hỗ trợ thực hiện biện pháp mà Thủ tướng Merkel nói rằng luôn đảm bảo tự do của người dân.
Thủ tướng Merkel từng phát biểu trong giai đoạn đầu chống dịch COVID-19: “Chúng ta biết rằng các chính sách chỉ có hiệu lực nếu chính phủ và chính quyền bang hợp tác chặt chẽ”. Việc chính quyền cấp bang và liên bang gạt bất đồng đã góp phần vào thành công của Đức trong chống COVID-19.
Giống như Mỹ, Đức sắp tổ chức cuộc bầu cử quan trọng. Vào năm 2021 hoặc sớm hơn, cử tri Đức sẽ lựa chọn người kế nhiệm bà Merkel. Bộ trưởng Y tế Đức và hai thống đốc đang là ứng viên tiềm năng, nhưng cả 3 nhân vật này đều thống nhất rằng vào thời điểm này, cần tập trung giải quyết khủng hoảng COVID-19.
Ông Techau đánh giá: “Chắc chắn phải có ai đó là đại diện quốc gia trong xử lý khủng hoảng. Đó là vai trò của thủ tướng và tổng thống. Bạn phải đóng vai trò đó. Và nên hiểu rằng khi đó bạn không phải là chủ, chịu trách nhiệm mọi thứ mà là cá nhân giúp đoàn kết quốc gia trong xử lý khủng hoảng”.
Về phần mình, khi thông báo kế hoạch ba giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế ngày 16/4, Tổng thống Trump đã thay đổi khi nói rằng các thống đốc cần chịu trách nhiệm trong quyết định về nới lỏng phong tỏa tại bang.