Mỹ có thể 'khốn đốn' trước dàn vũ khí của Iran nếu xảy ra xung đột
Mặc dù sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội hơn, song Mỹ vẫn có thể đối mặt với kịch bản đau đớn nếu gặp dàn vũ khí của Iran trong trường hợp xảy ra xung đột.
Căng thẳng leo thang khiến Tổng thống Donald Trump và một số quan chức cấp cao của Mỹ gần đây đều để ngỏ khả năng xung đột với Iran. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy một thực tế mà Lầu Năm Góc đã phải đối mặt từ nhiều năm nay: Mặc dù quân đội Mỹ được đánh giá vượt trội hơn so với Iran, song Tehran vẫn có thể khiến Washington phải nếm trải cảm giác đau đớn ngay cả trong một cuộc chiến quy mô nhỏ, theo Washington Post.
Theo báo cáo do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng trước, quân đội Iran có hơn 700.000 quân, trong đó lực lượng chính quy gồm khoảng 350.000 quân. Con số này chưa tính đến Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, lực lượng đặc biệt gồm 125.000 binh sĩ lục quân và 20.000 binh sĩ hải quân.
IRGC bị cho là lực lượng gây chia rẽ Mỹ - Iran. Hồi tháng 4, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức coi IRGC là một tổ chức khủng bố nước ngoài. IRGC đã thực hiện các cuộc tuần tra tại eo biển quan trọng chiến lược Hormuz, giám sát các chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và nhận trách nhiệm về vụ phóng tên lửa bắn rơi máy bay không người lái trinh sát RQ-4 của Mỹ hôm 20/6 - vụ việc khiến chính quyền Trump suýt phát lệnh tấn công nhằm đáp trả Tehran.
Theo báo cáo năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, quá trình phân tích kho vũ khí của Iran cho thấy nhiều vũ khí đã “lỗi thời, lạc hậu hoặc có chất lượng tương đối thấp”. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, hệ thống phòng không của Iran cũng như khả năng Tehran sử dụng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực là “không thể xem thường”.
Jim Stavridis, một đô đốc Mỹ nghỉ hưu, nhận định Iran có năng lực tác chiến phi đối xứng “cực kỳ mạnh”, trong đó một bên tham chiến có năng lực vượt trội hơn hẳn so với bên còn lại.
“Các chiến thuật tấn công mạng, sử dụng ồ ạt các tàu cỡ nhỏ, tàu ngầm diesel, lực lượng đặc nhiệm, tên lửa hành trình đất đối đất đều là những vũ khí ở cấp độ cao. Iran cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai lực lượng trong môi trường khắc nghiệt tại Trung Đông. Iran có thể tạo ra thách thức khủng khiếp đối với các lực lượng Mỹ, mặc dù Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc xung đột nào”, đô đốc Stavridis nói.
Máy bay và tàu chiến
Iran hiện sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không như S-300 với khả năng phát hiện và tấn công các mục tiêu ở độ cao hơn 24 km. Tehran cũng vận hành phi đội gồm hơn 300 máy bay, mặc dù chưa có chiếc nào hiện đại bằng các máy bay của Không quân Mỹ.
Phi đội của Iran gồm các máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay ném bom Su-24 do Nga sản xuất. Iran cũng có các máy bay F-4 huyền thoại từng mua của Mỹ trước cuộc cách mạng năm 1979. Tuy nhiên, Washington đã cho nghỉ hưu dòng máy bay này.
Về sức mạnh trên biển, Hải quân Iran được cho là vận hành hơn 100 tàu, trong đó một nửa là tàu cỡ nhỏ và di chuyển nhanh. Số lượng này khó có thể đối phó với các tàu khu trục uy lực của Mỹ, tuy nhiên các tàu Iran có thể gây rối loạn giao thông hàng hải bằng cách rải thủy lôi và quấy rối các tàu thương mại.
Ngoài các vũ khí quân sự trên, giới chức Mỹ cũng lo ngại về các hành động của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng như lực lượng vũ trang ủy nhiệm được Tehran hậu thuẫn. Chính quyền Mỹ cáo buộc các lực lượng này đứng sau hàng loạt vụ tấn công trên toàn thế giới trong suốt 20 năm qua.
Lầu Năm Góc tin rằng các lực lượng ủy nhiệm của Iran phải chịu trách nhiệm vì gây ra cái chết của 608 binh sĩ Mỹ tại Iraq trong cuộc chiến kéo dài 8 năm sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq từ năm 2003.
Sức mạnh của Mỹ gần Iran
Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo sẽ triển khai thêm 1.000 quân tới Trung Đông để đối phó với Iran. Vài ngày sau đó, Mỹ cho biết thêm rằng các vũ khí được triển khai tới khu vực gần Iran còn có các máy bay trinh sát có người lái và không người lái, tên lửa Patriot sử dụng cho mục đích phòng không, các máy bay chiến đấu và máy bay yểm trợ.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ 21/6 cho biết các tàu hộ tống tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Hải quân Mỹ sẵn sàng tấn công nếu nhận được lệnh. Các tàu này bao gồm tàu khu trục USS Bainbridge, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Leyte Gulf. Cả hai tàu đều có khả năng mang tên lửa hành trình Tomahawk.
Với lượng giãn nước 90.000 tấn, USS Abraham Lincoln là một trong những tàu chiến lớn nhất trên thế giới. Trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003, tàu sân bay này đã thực hiện hơn 100 nhiệm vụ trong một ngày.
“Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) duy trì năng lực quân sự hùng mạnh trong khu vực và sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Mỹ không tìm kiếm xung đột với Iran, tuy nhiên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tư thế và sẵn sàng bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ trong khu vực", người phát ngôn của quân đội Mỹ, Trung tá Earl Brown, cho biết.