Mỹ có thể làm gì ngăn Houthi thu giữ thêm tàu thuyền có liên hệ với Israel?
Mỹ có thể sẽ phải hành động nếu lực lượng Houthi ở Yemen tiếp tục đe dọa chặn bắt các tàu thuyền có liên hệ với Israel khi các tàu này di chuyển qua Biển Đỏ.
Hôm 19/11, lực lượng Houthi tuyên bố chặn bắt một tàu chở hàng có liên hệ với tỷ phú Israel ở vùng biển ngoài khơi Yemen. Tàu Galaxy Leader dài 189 mét chuyên được sử dụng để vận chuyển xe hơi. Ở thời điểm bị Houthi chặn bắt, con tàu đang trong hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Ấn Độ và không chở theo hàng hóa.
Một ngày sau, Houthi công bố video các chiến binh đổ bộ và khống chế thủy thủ đoàn, đưa về cảng sau khi cắm cờ Yemen và cờ Palestine lên tàu. Cuộc đột kích diễn ra suôn sẻ và không có nổ súng, do các thủy thủ trên tàu không có vũ khí.
Vụ việc có thể làm phức tạp thêm tình hình ở Trung Đông. Khu vực này hiện đang căng thẳng kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát trở lại vào ngày 7/10.
Theo đài Al Jazeera, Biển Đỏ là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng trên thế giới. Tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ có thể tới Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez và ngược lại, rút ngắn đáng kể quãng đường thay vì phải di chuyển qua châu Phi.
Biển Đỏ rộng khoảng 200km nhưng có điểm cuối ở phía nam là eo biển Bab al-Mandeb. Eo biển hẹp có chiều ngang 20km này vùng ven biển Yemen. Mỗi năm, khoảng 17.000 tàu thuyền đi qua eo biển, nghĩa là trung bình có 50 tàu/ngày.
Sau vụ chặn bắt tàu Galaxy Leader, Houthi tuyên bố sẽ tích cực tuần tra, thu giữ thêm các tàu thuyền có liên hệ với Israel.
Đài Al Jazeera nhận định, Mỹ và Israel hiện đang đứng trước 3 lựa chọn để đối phó phiến quân Houthi.
Thứ nhất, Mỹ có thể huy động tàu chiến hộ tống các tàu hàng Israel đi qua eo biển Bab al-Mandeb. Thứ hai, Mỹ và Israel có thể giáng đòn không kích phủ đầu răn đe Houthi. Thứ ba, Mỹ và Israel có thể tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thông qua các giải pháp ngoại giao.
Trong quá khứ, tàu chiến Mỹ ở Trung Đông đã nhiều lần tham gia hộ tống tàu chở dầu, tàu hàng di chuyển trong khu vực trước mối đe dọa từ Iran hoặc các lực lượng được Iran hậu thuẫn. Mỗi khi các tàu chiến Mỹ xuất hiện, các lực lượng này chỉ khiêu khích chứ không tấn công.
Kể từ ngày 7/10, Mỹ đã triển khai một loạt tàu chiến và vũ khí tới khu vực, bao gồm hai nhóm tác chiến tàu sân bay. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R Ford hiện đang ở Địa Trung Hải còn nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D Eisenhower hiện đang ở Vịnh Oman. Các tàu sân bay được tàu khu trục, tàu tuần dương và các tàu khác hộ tống.
Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng có một số tàu khu trục hoạt động độc lập, bố trí rải rác ở Trung Đông. Ngày 19/10, tàu khu trục USS Carney hiện diện ở Biển Đỏ đánh chặn tên lửa Houthi phóng về phía Israel.
Theo đài Al Jazeera, Mỹ có thể sẽ cần bổ sung thêm tàu chiến tới Biển Đỏ nếu muốn mở sứ mệnh hộ tống tàu hàng. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R Ford vẫn phải neo ngoài khơi Israel để đề phòng các tình huống leo thang nếu có ở Dải Gaza.
Đối với giải pháp thứ hai, Mỹ hiện đang chủ trương tránh làm lan rộng căng thẳng ở Trung Đông. Nếu tấn công phủ đầu Houthi, làn sóng tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ có thể sẽ gia tăng.
Đối với giải pháp thứ ba, Mỹ có thể âm thầm đàm phán với Iran, yêu cầu Tehran tác động để kiềm chế các hoạt động thù địch nhằm vào Israel của phiến quân Houthi. Đây có thể là giải pháp thực tế nhất nhưng đòi hỏi các bên phải thể hiện sự kiềm chế, đài Al Jazeera nhận định.