Mỹ có thể thay thế các hệ thống phòng thủ ở Thái Bình Dương
Mỹ có thể trang bị cho các căn cứ quân sự của nước này ở Thái Bình Dương loại vũ khí mới sau cuộc tấn công vào Ả-rập Xê-út ngày 14/9.
Trong cuộc phỏng vấn với Aviation Week, Tư lệnh Các lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) Charles Q. Brown tuyên bố, ông quan tâm đến việc trang bị cho các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương các loại vũ khí laser được cung cấp bởi "lò phản ứng hạt nhân nhỏ" bảo vệ chúng tốt hơn từ các cuộc tấn công trên không. Các hệ thống như vậy có thể thể hiệu quả hơn "các hệ thống đánh chặn lớn và nặng hơn" như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) hoặc hệ thống Patriot.
Danh tiếng của Mỹ gần đây đã bị giáng một đòn mạnh sau khi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ thất bại trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của tên lửa và máy bay không người lái vào các nhà máy dầu mỏ của Ả-rập Xê-út ngày 14/9. Mỹ đã phản ứng với vụ việc bằng cách triển khai thêm hệ thống phòng thủ Patriot đến Ả-rập Xê-út.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Defence News, kỹ sư hệ thống phòng không Israel Uzi Rubin chỉ ra rằng, các hệ thống này không hiệu quả trước các cuộc tấn công như vừa qua vào Ả-rập Xê-út bởi tên lửa và máy bay không người lái đã di chuyển thấp, khiến cho radar của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot không thể phát hiện. Ông Uzi Rubin lập luận rằng, các hệ thống phòng thủ như Pantsir S1 (tên trong báo cáo của NATO là SA-22 Greyhound) với pháo tự động 2A38M 30mm, được trang bị công cụ tìm hướng hồng ngoại có thể lấp vào "khoảng trống" đó.
Theo Sputnik, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đã thất bại trong việc đẩy lùi cuộc tấn công vì hoạt động không hiệu quả. Nguồn tin cho biết thêm, các thông số kỹ thuật của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trên lý thuyết có thể không được như khả năng thực tế.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-co-the-thay-the-cac-he-thong-phong-thu-o-thai-binh-duong-d501305.html