Mỹ có thực sự thất bại tại Afghanistan?
Khi Kabul rơi vào tay Taliban ngày 15/8 vừa qua, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu Mỹ đã thực sự thất bại tại Afghanistan? Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.
Chỉ trong vòng vài tuần, gió đã xoay chiều ở Afghanistan. Ngày 15/8, Taliban kiểm soát thủ đô Kabul. Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã từ chức trước khi cùng nhiều quan chức cấp cao ra nước ngoài.
Sau 20 năm, giờ đây Taliban đã chiến thắng. Tuy nhiên, liệu Mỹ đã thực sự thất bại tại Afghanistan? Câu trả lời là có và không.
Những gam trầm
Trước tiên, Mỹ đã không thể giúp chính quyền cựu Tổng thống Ashraf Ghani đứng vững trước Taliban.
Kể từ năm 2002, Mỹ đã chi 88 tỷ USD huấn luyện và trang bị cho quân đội, cảnh sát Afghanistan, chiếm 2/3 tổng viện trợ nước ngoài quốc gia này nhận từ năm 2002.
Washington từng khẳng định Lực lượng An ninh Afghanistan (ANDSF) với 350.000 người cùng vũ khí, trang thiết bị hiện đại hoàn toàn có thể đứng vững trước Taliban.
Tuy nhiên, Politico dẫn lời quan chức và cựu quan chức tham gia huấn luyện tại Afghanistan cho biết thực tế lại hoàn toàn khác. Tham nhũng nghiêm trọng, tinh thần rệu rã và tình trạng “cảnh sát và binh lính ma” thường không xuất hiện trên báo cáo.
Theo đó, ANDSF chỉ có 50.000 người được huấn luyện và trang bị để đối đầu với 200.000 quân Taliban. Song những đơn vị này cũng không thể tác chiến độc lập nếu thiếu hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh.
Thượng nghị sĩ Mỹ Joni Ernst thuộc Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ thừa nhận: “Làm sao chúng ta có thể khiến người Afghanistan chiến đấu vì chính họ? Điều đó có thể không bao giờ xảy ra”.
Khi vắng hỗ trợ toàn diện của Mỹ, ANDSF đã nhanh chóng thất thủ trước Taliban.
“Làm sao chúng ta có thể khiến người Afghanistan chiến đấu vì chính họ? Điều đó có thể không bao giờ xày ra”. (Thượng nghị sĩ Mỹ Joni Ernst thuộc Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ)
Thiếu các báo cáo sát thực tế, Washington đã đánh giá sai năng lực tác chiến của Taliban.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã quá lạc quan về khả năng tác chiến của ANDSF trước một Taliban chỉ có súng trường AK-47, tên lửa chống xe tăng và những xe bán tải Toyota cũ nát.
Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và mới đây nhất là Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu tối ngày 16/8, thừa nhận sự sụp đổ của Kabul nhanh hơn dự kiến.
Mỹ phản ứng chậm chạp trước tình hình thực địa thay đổi từng giờ tại Afghanistan. Kế hoạch rút quân của Tổng thống Mỹ Joe Biden không lường trước chiến thắng liên tiếp của Taliban.
Để rồi khi ván đã đóng thuyền, Washington chỉ còn có thể cứu vãn bằng cách gửi 5.000 quân hỗ trợ di tản, phó mặc chính quyền ông Ashraf Ghani và hàng triệu người dân Afghanistan cho số phận.
Nhiều đời ông chủ Nhà Trắng từng nói rằng một mục tiêu hàng đầu của Mỹ là ngăn Afghanistan trở thành một thiên đường của khủng bố.
Tuy nhiên, khi mà Taliban nắm quyền, lời hứa trên sẽ khó khả thi. Thậm chí, chiến thắng của lực lượng này sẽ tạo động lực cho các phong trào Hồi giáo cực đoan và khủng bố khác trên thế giới.
Ngoài ra, tuyên bố rút quân, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền ông Ashraf Ghani và đặt số phận của hàng triệu người dân Afghanistan vào nguy hiểm sẽ tác động tiêu cực tới uy tín của cá nhân Tổng thống Joe Biden cũng như hình ảnh Washington.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định muốn “Đưa nước Mỹ trở lại”, củng cố cam kết với đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, hàng loạt quyết sách tại Afghanistan, phó mặc Kabul cho Taliban dường như không thể hiện tinh thần này và có thể khiến quốc gia đồng minh, đối tác hoài nghi các cam kết của Washington.
Những điểm cộng
Những ngày qua đã phơi bày nhiều hạn chế trong chính sách của Mỹ về Afghanistan. Song liệu có chính xác khi nói rằng Washington đã thất bại hoàn toàn? Không hẳn.
Đầu tiên, ưu tiên của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush khi tham chiến tại Afghanistan là bắt những kẻ tấn công phải chịu trách nhiệm cho vụ 11/9/2001 và đảm bảo al-Qaeda không thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tiếp tục khủng bố.
Năm 2011, Osama Bin Laden, thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda chịu trách nhiệm cho vụ tấn công, đã bị tiêu diệt. Kể từ đó, tổ chức khủng bố này đã suy yếu nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong thỏa thuận năm ngoái với Mỹ, Taliban đã cam kết không cho phép đào tạo, gây quỹ hoặc tuyển quân từ các lực lượng và tổ chức Hồi giáo, bao gồm cả al-Qaeda, có thể đe dọa an ninh của Mỹ cùng đồng minh.
Đặc biệt, tuyên bố mới đây của Taliban sau khi chiếm Kabul cho thấy lực lượng này đang tìm tính chính danh để duy trì quyền lực hợp pháp. Khi đó, lực lượng này có thể duy trì khoảng cách nhất định với al-Qaeda, tránh bị gắn mác “khủng bố” và “Hồi giáo cực đoan”.
Một yếu tố đặc biệt khác là thay đổi chiến lược của thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri, người kế nhiệm Bin Laden năm 2011.
Thay vì tấn công “kẻ thù xa” ở phương Tây như trước, tổ chức này xâm nhập những địa bàn bất ổn trong khu vực, tận dụng cơ hội bành trướng và đánh bại “kẻ thù gần” hơn.
Điều này giúp Taliban, vốn không bị đổ lỗi trực tiếp cho bất kỳ vụ khủng bố quốc tế nào, duy trì mối quan hệ với nhóm.
Tuy nhiên, sức khỏe của thủ lĩnh al-Qaeda đang xấu đi trông thấy. Không có gì đảm bảo rằng chiến lược của ông Ayman al-Zawahiri sẽ được duy trì một khi lãnh đạo mới được đề bạt.
Nếu al-Qaeda trở lại với đường hướng cũ, tấn công khủng bố phương Tây, Taliban có thể đứng trước áp lực giữ khoảng cách với tổ chức này.
Ngoài ra, xét cho cùng, Tổng thống Joe Biden đã chấm dứt hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan sau hai thập niên. Ông đã đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận cử tri mệt mỏi với cuộc chiến, điều ba người tiền nhiệm của ông chưa thể làm được.
Giảm hiện diện quân sự tại Iraq, mới đây là rút quân khỏi Afghanistan, có thể giúp chính quyền Tổng thống Joe Biden tập trung vào các ưu tiên thiết thực và cấp bách hơn với Mỹ ở hiện tại.
Quyết định rút quân sớm khỏi Afghanistan còn mang ý nghĩa về chính sách với Washington. Các văn bản về đối ngoại và quốc phòng của Mỹ gần đây, trong đó có Chỉ dẫn tạm thời về Chiến lược an ninh quốc gia, đều cho thấy ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đồng thời, Washington vẫn đang tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Giảm hiện diện quân sự tại Iraq, mới đây nhất là rút quân khỏi Afghanistan, có thể giúp chính quyền Tổng thống Joe Biden tập trung vào các ưu tiên thiết thực và cấp bách hơn với Mỹ ở hiện tại.
Cuối cùng, với tham vấn của Mỹ, Afghanistan đã triển khai một số chính sách xã hội tích cực. Trước xung đột gần đây với Taliban, có 3,5/5 triệu bé gái Afghanistan được đến trường. Phụ nữ dần xuất hiện và tham gia làm việc trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, từ các bộ phận hành pháp, khoa học robot tới rạp chiếu phim.
Với hệ thống chăm sóc sức khỏe cải thiện, tuổi thọ phụ nữ Afghanistan đã tăng hơn 10 năm. Điện thoại dần phổ biến, với truyền thông và mạng xã hội dần phát triển.
Song với chiến thắng của Taliban, mọi thứ có thể sẽ rất khác.
Ngày 16/8, lực lượng này đã tuyên bố ân xá toàn quốc, kêu gọi nữ giới tham gia chính phủ nhằm nỗ lực xoa dịu căng thẳng tại thủ đô Kabul.
Ông Enamullah Samangani, thành viên của Ủy ban văn hóa Taliban cho biết “không muốn phụ nữ trở thành nạn nhân” tại tiểu vương quốc Hồi giáo và nên được tham gia chính phủ theo luật Shariah. Đây là tín hiệu tốt, song chưa đủ nếu nhìn vào những gì lực lượng này từng làm khi cầm quyền.
Xét cho cùng, Taliban còn thời gian để thay đổi, nhưng Mỹ thì không.
Nỗ lực của Washington nhằm thay đổi vận mệnh Kabul sắp đến hồi kết. Mỹ thành công hay thất bại, lịch sử sẽ phán xét.
Còn với người dân Afghanistan, họ dành sự lo âu ấy cho những gì ở phía trước.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-co-thuc-su-that-bai-tai-afghanistan-155380.html