Mỹ công bố hình ảnh F-35 thả bom hạt nhân mới, lời cảnh báo Trung Quốc, Triều Tiên

Theo tạp chí quân sự Military Watch, khả năng mang vũ khí hạt nhân của tiêm kích tàng hình F-35, kết hợp với loại bom hạt nhân B61-12 tuy nhỏ nhưng sức công phá gấp hơn 10 lần quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, Nhật Bản năm 1945 là một cảnh báo đáng sợ đến các đối thủ ở Đông Bắc Á là Trung Quốc và Triều Tiên, bên cạnh đó là Nga.

hình ảnh F-35 thả bom hạt nhân B61-12

hình ảnh F-35 thả bom hạt nhân B61-12

Vụ thử nghiệm còn mở ra triển vọng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng có thể triển khai hai loại vũ khí này trong trường hợp có chiến tranh.

Không quân Mỹ đã lần đầu tiên công bố đoạn phim về một máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thực hiện thả bom hạt nhân chiến thuật B61-12. Đoạn video cho thấy lần đầu tiên một máy bay chiến đấu tàng hình siêu âm thực hiện vụ phóng vũ khí như vậy.

F-35 là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 duy nhất của phương Tây có khả năng mang vũ khí hạt nhân, và do các vấn đề đang xảy ra với các biến thể F-35B và C, F-35A là biến thể duy nhất có khả năng duy trì bay siêu âm. Hơn 3000 chiếc dự kiến sẽ được Mỹ và nhiều nước mua vũ khí của nước này triển khai trên khắp thế giới.

Các đơn đặt hàng nước ngoài lớn nhất đến từ Nhật Bản, Anh và Hàn Quốc. Khả năng mang vũ khí hạt nhân của những chiếc máy bay này, kết hợp với khả năng tránh né radar tiên tiến, hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và tầm bắn đáng kể, có khả năng cung cấp cho liên minh do Mỹ dẫn đầu một phi đội máy bay ném bom hạt nhân lớn và có tiềm năng cao.

Theo Military Watch, B61-12 là một trong những loại vũ khí đắt tiền nhất trên thế giới, với trọng lượng 320 kg, chi phí sản xuất cao hơn so với giá trị một khối vàng có trọng lượng tương đương. Loại bom này được đánh giá cao vì có khả năng thay đổi sức công phá đáng kể tùy thuộc vào loại mục tiêu đang tấn công mà không cần sửa đổi.

Sức công phá tối thiểu của nó tương đương 300 tấn thuốc nổ TNT, ít hơn sức công phá ước tính của vụ nổ ở Beirut vào tháng 8 năm 2020, trong khi sức công phá tối đa là 400.000 tấn TNT. Để so sánh: quả bom hạt nhân do Không quân Mỹ thả xuống Nagasaki, Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945 có sức công phá 25.000 tấn.

B61-12 là một vũ khí lý tưởng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân do tính linh hoạt của nó, mặc dù chi phí rất cao vẫn là một yếu tố ngăn cản việc triển khai quy mô lớn. Đáng chú ý là đầu đạn hạt nhân càng nhỏ thì càng dễ sử dụng.

Việc thử nghiệm B61-12 từ máy bay ngày càng tăng diễn ra khi Mỹ đang nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với ba quốc gia có vũ khí hạt nhân là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Vụ thử trên tiêm kích F-35 được một số nhà phân tích lý giải là nhằm vào hai quốc gia Đông Á như một cuộc phô trương lực lượng, mặc dù F-35 vẫn còn lâu mới sẵn sàng chiến đấu cường độ cao.

Các máy bay khác dự kiến triển khai B61-12 bao gồm máy bay ném bom hạng nặng B-2 Spirit và B-21 Raider, tiêm kích hạng nhẹ F-16C và tiêm kích hạng nặng F-15E. Một cuộc thử nghiệm mô phỏng đã được thực hiện trên một chiếc F-15 vào tháng 6 năm 2020.

Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của Mỹ với các cường quốc phương Tây thuộc liên minh NATO có nghĩa là F-16 và F-35 được triển khai bởi một số lượng lớn các nước châu Âu cũng có thể triển khai B61 –12 trong trường hợp chiến tranh.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/my-cong-bo-hinh-anh-f35-tha-bom-hat-nhan-moi-loi-canh-bao-trung-quoc-trieu-tien-1754258.tpo