Mỹ công bố kế hoạch bảo vệ người lao động khỏi nắng nóng khắc nghiệt
Nước Mỹ đã trải qua mùa hè nóng nhất được ghi nhận trong năm nay, vượt qua mốc kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 1936.
Chính quyền Biden vào thứ Hai 21/9 đã công bố một bản kế hoạch nhằm giúp người dân đối phó với ảnh hưởng của các đợt nắng nóng thường xuyên gần đây gây ra bởi biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nắng nóng là nguyên nhân dẫn đến trung bình 702 ca tử vong mỗi năm và là thảm họa liên quan đến thời tiết nguy hiểm nhất ở Mỹ trong ba thập kỷ qua. Đáng quan ngại là những đợt nắng nóng đang ngày càng trở nên phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổng thống Biden cho biết: “Trong khi nhiều vùng vừa phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng về siêu bão, cháy rừng và lũ lụt vào những tuần gần đây, thì một thảm họa khí hậu khác luôn hiện hữu cận kề chúng ta là nắng nóng khắc nghiệt”.
“Nắng nóng khắc nghiệt đang gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng, đe dọa người dân trên khắp đất nước. Chính quyền sẽ không để người Mỹ phải đơn độc khi đối mặt với mối đe dọa này”, ông Biden nói.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, Kế hoạch bảo vệ người lao động khỏi nắng nóng khắc nghiệt sẽ gồm 4 nội dung chính.
Hạn chế tiếp xúc nơi làm việc
Bộ Lao động sẽ thiết lập và thực thi các quy định hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ quá cao đối với người lao động. Đặc biệt là lao động ngoài trời trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng và giao hàng, và những người làm việc trong nhà, bao gồm cả nhân viên nhà máy, kho hàng và nhà bếp.
Hỗ trợ các hộ gia đình giảm nóng
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) đã ban hành hướng dẫn cho các bang linh hoạt trong việc sử dụng quỹ để hỗ trợ về hóa đơn liên quan đến năng lượng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và giúp nhiều người tiếp cận với điều hòa nhiệt độ hơn. Cục Bảo vệ Môi trường (EPA) cho biết đang sử dụng tiền từ Kế hoạch Cứu trợ Mỹ được thông qua vào tháng 3 để nỗ lực biến nhiều trường học trên toàn quốc thành trung tâm làm mát.
Hướng dẫn các địa phương chống lại “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”
Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị là hiện tượng một khu vực trong thành phố nóng hơn đáng kể các khu vực ngoại ô xung quanh. Nguyên nhân là do sự giữ nhiệt của vật liệu trên đường phố và các tòa nhà, đồng thời do quá trình sử dụng năng lượng và tham gia giao thông. Theo một báo cáo gần đây của Cục Bảo vệ Môi trường (EPA) phân tích trên 49 thành phố “Người Mỹ da đen và gốc Phi có khả năng đang sống ở các khu vực chịu tác động của nắng nóng cao hơn 40-59% so với người Mỹ không phải da đen và gốc Phi”. Chính quyền sẽ nỗ lực giúp các bang sử dụng dữ liệu và công cụ được đề xuất để giảm tác động nghiêm trọng của hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
Kêu gọi tập hợp các chuyên gia
Nhà Trắng đã tập hợp các chuyên gia để thành lập Hệ thống thông tin y tế về nhiệt tổng hợp cấp quốc gia (National Integrated Heat Health Information System). Đây là một hệ thống liên ngành, có nhiệm vụ theo dõi và chia sẻ dữ liệu về nắng nóng khắc nghiệt. Hệ thống sẽ tổ chức một cuộc họp vào tháng 4/2022 để đưa ra các biện pháp tốt hơn nhằm giải quyết vấn đề nắng nóng. Tại một diễn biến khác, Bộ An ninh Nội địa (DHS) đang phát động các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có cuộc thi tập trung vào vấn đề nắng nóng khắc nghiệt.
Tất cả những động thái này được đánh giá mới chỉ giải quyết được một số hậu quả chứ chưa giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu là sự gia tăng nồng độ khí thải nhà kính.
Nhà Trắng cho rằng Quốc hội nên thông qua phần còn lại của chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Biden. Chương trình bao gồm nhiều đề xuất, không chỉ nhằm mục đích thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giảm thiểu tác động bằng cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.
Phạm Thu Thanh (theo NPR, News.yahoo)